Bệnh tâm phế mạn là một căn bệnh có tỷ lệ người mắc không ít. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng và đủ về căn bệnh này cũng như cách điều trị hiệu quả. Để hiểu hơn về tâm phế mạn, mời bạn đọc tìm hiểu chi tiết qua bài viết!
Bệnh tâm phế mạn là gì?
Tâm phế mạn là tình trạng tâm thất phải bị giãn sau bệnh lý hô hấp khiến người bệnh bị tăng áp động mạch phổi. Hậu quả thứ phát của tình trạng này là suy tim phải.
Bệnh tâm phế mạn xảy ra do áp lực động mạch phổi tăng dẫn đến cấu trúc, chức năng của phế quản, lồng ngực và phổi bị tổn thương. Điều này dẫn đến gánh nặng cho thất phải khiến thất phải tăng lực co bóp để có thể đẩy máu vào động mạch phổi nhiều hơn dẫn đến thất phải bị giãn. Tình trạng này làm tăng áp lực phổi kéo dài gây ra hiện tượng suy tim phải.
Triệu chứng bệnh tâm phế mạn
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng bệnh tâm phế mạn thường không rõ ràng. Người bệnh thường gặp các triệu chứng như ho, khó thở, mệt mỏi khi gắng sức, khạc đờm ra máu màu vàng có khi có mủ… Các triệu chứng này thường bị nhầm với các bệnh lý hô hấp thông thường.
Ở giai đoạn suy thất phải, khi áp suất của thất phải gia tăng, người bệnh sẽ đối mặt với nhiều triệu chứng bệnh rõ ràng hơn. Đó là các triệu chứng khó thở khi gắng sức thậm chí khi làm việc nhẹ hoặc nghỉ ngơi, đau ở vùng gan, đau hạ sườn lan ra sau lưng, đau tim…
Nguyên nhân gây bệnh tâm phế mạn
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm phế mạn trong đó phổ biến nhất là tăng áp lực động mạch phổi do các bệnh mạn tính về hô hấp như:
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đây được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tâm phế mạn.
- Tăng áp động mạch phổi tiên phát (do yếu tố di truyền, bệnh lý tĩnh mạch phổi,…)
- Viêm phế quản mạn tính, viêm rãnh liên thùy phổi, viêm phổi kẽ.
- Phổi bị xơ hóa
- Thuyên tắc mạch phổi (xuất hiện và phát triển cục máu đông trong phổi)
- Tiền sử bệnh hen suyễn hoặc bệnh không được kiểm soát ổn định và kéo dài lâu ngày.
- Bệnh khí phế thũng, giãn phế nang,giãn phế quản.
- Bệnh lý ngừng thở khi ngủ.
Ngoài các bệnh về hô hấp trên, một số bệnh lý khác có thể dẫn đến tâm phế mạn như: dị dạng cột sống do thoái hóa xương khớp hoặc do tật bẩm sinh, bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, bất thường lồng ngực, người bị tai nạn ảnh hưởng vùng phổi…
Phác đồ điều trị tâm phế mạn
Phác đồ điều trị tâm phế mạn sẽ căn cứ theo căn nguyên gây bệnh và trong một số trường hợp nhất định. Người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất.
Điều trị các căn nguyên gây tâm phế mạn
Các biện pháp thường được sử dụng để điều trị căn nguyên gây bệnh gồm có:
Oxy liệu pháp
Mục tiêu điều trị: Duy trì SaO2 từ 90 – 92%, pH từ 7,36 – 7,42 (trong trường hợp đo được) và PaCO2 từ 40 – 45 mmHg.
Chỉ định:
- SaO2 trong phương pháp oxy liệu pháp nhỏ hơn 88 mmHg hoặc PaO2 nhỏ hơn 55 mmHg.
- 55 mmHg < PaO2 < 59 mmHg hoặc SaO2 từ 88 – 89 mmHg kèm theo đó là một số các triệu chứng của bệnh tâm phế mạn, chỉ số hematocrit lớn hơn 55%.
Cách thực hiện:
- Oxy liều thấp tại nhà và dài hạn cho bệnh nhân tâm phế mạn: Mỗi liều 1 – 3 lít/phút và kéo dài 18/24 giờ mỗi ngày.
- Đối với bệnh nhân tâm phế mạn đang nằm viện thì cần chọn liều oxy thích hơn theo chỉ định bác sĩ.
Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu được các bác sĩ chỉ định khi người bệnh có triệu chứng gan to, tĩnh mạch cổ nổi, phù chân… Các loại thuốc sử dụng có thể là furosemide 40mg x 1 viên/ngày hoặc furosemid 20mg x 1 – 2 ống… tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Trích huyết
Thực hiện trích huyết nếu các bác sĩ phát hiện hematocrit của người bệnh lớn hơn 60%, thường lấy 300ml/lần sau đó xét nghiệm để có những chỉ định phù hợp.
Phác đồ điều trị tâm phế mạn trong các trường hợp nhất định
Tùy vào từng trường hợp nhất định mà các bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
- Bệnh tâm phế mạn có đợt bội nhiễm: Bác sĩ chỉ định người bệnh sử dụng kháng sinh các loại phổ biến như penicillin, ampicillin, amoxicillin kết hợp cùng với thuốc cephalosporin thế hệ 1-2-3, acid clavulanic và quinolon.
- Tâm phế mạn do bệnh hen suyễn: Sử dụng thuốc corticoid dạng phun hít sớm và kéo dài và kết hợp cùng với thuốc giãn phế quản
- Bệnh tâm phế mạn do xơ phổi: Dùng thuốc corticoid và thở oxy.
- Tâm phế mạn do dị dạng lồng ngực, cong vẹo cột sống: Tập thở, chống bội nhiễm và chỉnh hình lồng ngực.
Bệnh tâm phế mạn sống được bao lâu?
Tiên lượng sống của bệnh nhân tâm phế mạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguyên nhân gây bệnh, loại bệnh cũng như tình trạng của từng người bệnh. Thông thường, thời gian sống trung bình của người bệnh tâm phế mạn là: 58,6 tháng với bệnh nhân giai đoạn I và II; 31,5 tháng với bệnh nhân giai đoạn III và 6 tháng với bệnh nhân giai đoạn IV.
Phòng ngừa bệnh tâm phế mạn hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh tâm phế mạn hiệu quả, bạn cần chú ý các biện pháp như:
- Tiêm vacxin phòng ngừa cúm, phế cầu khuẩn theo chỉ định của bác sĩ để tránh được các đợt bội nhiễm.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện kịp thời các bệnh lý về phế quản, phổi từ đó có biện pháp điều trị đúng.
- Khi mắc các bệnh phổi mãn tính cần phải điều trị theo đúng và dứt điểm theo chỉ định của bác sĩ và kiểm tra lại thường xuyên.
- Giảm các môi trường nguy cơ như khói bụi, khói xe, hóa chất, không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Không sử dụng bia rượu, chất kích thích, đồ uống có cồn.
- Có chế độ sinh hoạt, thực đơn khoa học, luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch phòng ngừa được nhiều bệnh tật.
Bệnh tâm phế mạn là một trong những bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của con người. Do đó, người bệnh cần chú ý thăm khám để kịp thời phát hiện cũng như điều trị bệnh đúng cách. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!