Chảy nước mũi, nghẹt mũi là dấu hiệu phổ biến, thường gặp ở con người khi thời tiết thay đổi. Sớm xác định nguyên nhân, cách chữa sẽ giúp bạn tránh khỏi nguy cơ bệnh mãn tính và chung sống với căn bệnh này cả đời.
Chảy nước mũi, nghẹt mũi là gì?
Theo giải phẫu học, cấu trúc hốc mũi được lót một lớp niêm mạc nhằm bảo vệ mũi khỏi những tác nhân như khói bụi, vi khuẩn… Trên bề mặt lớp niêm mạc lại được bao phủ 1 lớp nhầy đóng vai trò giữ lại những dị nguyên từ môi trường bên ngoài, ngăn không cho chúng xâm nhập vào đường thở. Khi lớp niêm mạc này bị kích thích bởi những yếu tố gây hại nghiêm trọng như hóa chất, dị vật, khối u thì các mô hoạt động sẽ làm cho lớp dịch nhầy tiết ra nhiều hơn và gây nên chảy nước mũi, nghẹt mũi.
Chảy nước mũi, nghẹt mũi thường đi kèm với đau nhức mũi, khó thở do lượng dịch chảy ra nhiều làm bít tắc lỗ mũi. Có trường hợp lượng dịch chảy ra quá nhiều khiến bạn không thở được bằng mũi mà phải dùng miệng. Hiện tượng chảy nước mũi, nghẹt mũi có thể xảy ra ở 1 bên hoặc đồng thời cả 2 bên mũi.
Chảy nước mũi, nghẹt mũi về cơ bản là hiện tượng sinh lý, phản vệ bình thường của cơ thể nhưng có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Trong sinh hoạt và lao động hàng ngày, triệu chứng chảy nước mũi, nghẹt mũi sẽ khiến bạn không tập trung, mệt mỏi và dễ rơi vào trạng thái căng thẳng.
Ngoài ra, 2 triệu chứng này cũng là dấu hiệu của một số bệnh lý. Nếu người bệnh chủ quan coi thường và không điều trị từ sớm, bệnh sẽ tiến triển thành mãn tính rất khó để chữa dứt điểm.
Nguyên nhân chảy nước mũi, nghẹt mũi
Có nhiều nguyên nhân gây chảy nước mũi, nghẹt mũi không thể coi thường như:
- Cảm lạnh
Thông thường, cảm lạnh là do cơ thể chịu sự tấn công của virus và có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì. Triệu chứng đầu tiên của cảm lạnh là chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau cổ, ho khan, hắt hơi… Đối tượng dễ nhiễm cảm lạnh nhất là những người có đề kháng kém, trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền.
Triệu chứng chảy nước mũi, nghẹt mũi cũng là một cách phản vệ của cơ thể nhằm đẩy hết những chất nhầy, virus ra ngoài. Tuy vậy, nếu triệu chứng bệnh kéo dài cũng gây không ít phiền toái cho người bệnh.
- Dị ứng
Bạn hoàn toàn có thể chảy nước mũi, nghẹt mũi khi chạm hoặc nuốt phải những tác nhân gây dị ứng như bụi, cỏ, lông động vật, một số loại hoa… Mỗi người sẽ có tác nhân dị ứng riêng. Vì thế, bạn cần làm một số xét nghiệm để xác định cơ thể phản ứng với những chất nào để chủ động tránh xa chúng.
- Viêm xoang
Viêm xoang là tình trạng đường mũi bị viêm và sưng lên. Căn bệnh gây nên một số triệu chứng như khó thở, thở khò khè chảy nước mũi, nghẹt mũi… Nguyên nhân là bởi dịch nhầy của viêm xoang thường đặc làm thu hẹp đường thở, thậm chí chảy ngược vào cổ họng.
- Lệch vách ngăn mũi
Lệch vách ngăn mũi có thể là nguyên nhân gây nên nhiễm trùng xoang mãn tính, khiến viêm mũi, chảy nước mũi kéo dài. Bệnh gây khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng đến tinh thần con người.
Triệu chứng kèm theo chảy nước mũi nghẹt mũi
Thông thường, người bị chảy nước mũi, nghẹt mũi không chỉ phải đối diện với sự khó chịu do triệu chứng này mang lại mà còn gặp phải những dấu hiệu như:
- Người bệnh thấy nhột, cay trong mũi và muốn hắt hơi liên tục.
- Đau đầu, uể oải, người mệt mỏi và đổ nhiều mồ hôi.
- Mắt ngứa, đỏ, cay xè mắt và chảy nước mắt.
- Cảm giác đau và nóng bỏng ở vòm họng.
- Ngứa mũi, mũi sưng to và đỏ.
- Có nhiều dịch đờm trong cuống họng, ho có đờm.
- Có thể sốt cao.
- Đôi khi kèm theo triệu chứng sưng amidan.
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Tùy vào nguyên nhân hình thành chảy nước mũi, nghẹt mũi mà người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng đi kèm khác nhau. Để xác định chính xác tình trạng bệnh của mình, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên nghiệp để bác sĩ thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm phù hợp.
Cách chữa chảy nước mũi, nghẹt mũi
Nếu không may gặp phải tình trạng chảy nước mũi, nghẹt mũi, bạn hoàn toàn có thể cải thiện triệu chứng tại nhà bằng các phương pháp dưới đây:
- Nếu nguyên nhân gây chảy nước mũi, nghẹt mũi xuất phát từ dị ứng, bạn nên tránh xa ngay các tác nhân này.
- Uống nhiều nước bởi nước chính là cách giúp bạn làm loãng dịch nhầy trong mũi và cổ họng. Từ đó, chúng sẽ được đẩy ra ngoài và khiến bạn dễ chịu hơn.
- Hạn chế hoặc tránh xa những tác nhân dễ gây kích thích đường thở như khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá…
- Tránh để cơ thể ở trong trạng thái thay đổi độ ẩm, nhiệt độ đột ngột. Khi đó, cơ thể không kịp thích nghi và dễ chảy nước mũi, nghẹt mũi.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí trong gia đình. Đây là biện pháp hữu hiệu giúp làm loãng chất nhầy dịch mũi và tránh khô mũi.
- Khi ngủ, bạn nên sử dụng gối cao đầu sẽ khiến dịch nhầy chảy ra dễ dàng cũng giúp hạn chế tình trạng nghẹt mũi.
- Xịt rửa mũi thường xuyên bằng dung dịch nước muối sinh lý. Đây là biện pháp không chỉ nên áp dụng khi bạn có bệnh về đường hô hấp mà cần duy trì mỗi ngày, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
- Thăm khám bác sĩ định kỳ 6 tháng/lần giúp bạn chủ động phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Như vậy, chảy nước mũi, nghẹt mũi hoàn toàn không khó điều trị dứt điểm nếu người bệnh chủ động chữa bệnh từ sớm. Để tránh những tác hại do chảy nước mũi, nghẹt mũi gây ra, bạn cần có một lối sống khoa học và ăn uống đầy đủ. Chúc bạn đọc luôn khỏe mạnh!