Đau cứng cổ khi ngủ dậy khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến các hoạt động trong ngày. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đau cứng cổ khi ngủ dậy, cách chữa trị và phòng ngừa hiện tượng này ra sao, tất cả sẽ được giải đáp trong nội dung sau đây.
Nguyên nhân đau cứng cổ khi ngủ dậy
Đau cứng cổ khi ngủ dậy thường là hệ quả của những tư thế ngủ không đúng cách. Những triệu chứng mà đau cứng cổ gây ra khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc tập trung để thực hiện các công việc trong ngày.
Một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đau cứng cổ khi ngủ dậy thường là:
Tư thế ngủ không phù hợp
Việc duy trì các tư thế xấu như nằm sấp có thể gây tổn thương đến cổ và dẫn đến cứng cổ sau khi ngủ dậy. Nằm sấp khi ngủ, cổ có thể bị vẹo sang một bên trong nhiều giờ, điều này gây áp lực lên cơ cổ và khiến người bệnh cảm thấy cứng hoặc đau cổ sau khi ngủ dậy.
Ngoài ra, việc nằm sấp cũng làm cho lưng bị lưng bụng bị võng xuống, làm cho người bệnh không chỉ bị đau cổ, vai, gáy mà còn bị đau thắt lưng.
Lựa chọn gối ngủ sai
Gối ngủ không phù hợp có thể gây tổn thương đến cổ và gây đau cổ khi ngủ dậy. Gối không thể nâng đỡ đầu đúng cách có thể gây căng thẳng lên cơ cổ và dẫn đến cứng cũng như đau cổ. Gối lông vũ hoặc gối xốp hoạt tình được cho là có thể hỗ trợ và nâng đỡ đầu vào ban đêm. Điều này có thể giúp cột sống và cổ ở vị trí trung tính, hạn chế tình trạng đau cứng cổ mỗi sáng. Ngoài ra, gối quá thấp hoặc quá cao cũng tạo ra nhiều áp lực cho vùng cổ, vai của người bệnh.
Cử động đột ngột
Các cử động được thực hiện một cách đột ngột, bất ngờ như nhanh chóng ngồi dậy hoặc xoay tứ chi khi ngủ có thể làm căng cơ cổ. Xoay cổ và trở người thường xuyên trong khi ngủ hoặc cố gắng ngủ khi bị mất ngủ, cũng là nguyên nhân làm cho bạn gặp phải tình trạng căng thẳng và gây đau, cứng cổ khi ngủ dậy.
Chấn thương
Sự tác động của chấn thương từ tai nạn, bị ngã, bị đánh có thể phát tác sau 1 vài ngày với những cơn đau rõ rệt.
Ngoài những nguyên nhân trên, đôi khi tình trạng đau cứng cổ sau khi ngủ dậy còn là dấu hiệu của một số bệnh về cột sống cổ nghiêm trọng như:
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: lớp bao xơ bên ngoài đĩa đệm bị rách, theo thời gian nhân nhầy thoát ra ngoài chèn ép lên các rễ thần kinh, gây viêm các mô lân cận và dẫn đến tình trạng cứng cổ khi ngủ dậy.
- Thoái hóa đốt sống cổ: khi đĩa đệm bị mất nước và chiều cao theo thời gian, điều này sẽ gây áp lực lên các khớp, dây thần kinh và các mô mềm lân cận, chẳng hạn như dây chằng và cơ. Nguyên nhân này gặp chủ yếu ở người già, do quá trình thoái hóa tự nhiên.
- Gai đốt sống cổ: gai đốt sống cổ xảy ra khi sụn khớp bị tổn thương và hao mòn theo thời gian, hình thành nên các gai xương, dẫn đến cứng hoặc đau cổ khi ngủ dậy.
Có thể thấy nguyên nhân của đau cứng cổ khi ngủ dậy khá đa dạng. Bởi vậy, khi thấy có các triệu chứng của bệnh, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị sớm.
Cách giảm đau cứng cổ khi ngủ dậy
Trong trường hợp các cơn đau cứng cổ khi ngủ dậy xuất phát từ nguyên nhân cơ học, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Chườm đá hoặc chườm nóng: Chườm đá ngay sau khi thức dậy có thể hạn chế tình trạng cứng cổ, tránh sưng tấy và ngăn ngừa cơn đau. Người bệnh thực hiện từ 10 – 20 phút để đạt hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, liệu pháp chườm nóng như tắm nước ấm, hoặc sử dụng miếng chườm nóng cũng giúp thả lỏng và thư giãn các cơ.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn: các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoạt động bằng cách chống viêm và thường là loại thuốc đầu tiên được chỉ định để điều trị tình trạng đau cổ sau khi ngủ dậy. Các loại thuốc phổ biến bao gồm ibuprofen và naproxen. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại thuốc này cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ khó lường.
- Massage cổ: động tác này có khả năng thư giãn cho các cơ, dây chằng, từ đó hạn chế tình trạng co cứng và đau cổ sau khi ngủ dậy.
- Thực hiện bài tập thể dục vừa phải: các bài tập thể dục như đi bộ, yoga cho cổ cũng có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng đau cổ sau khi ngủ dậy. Ngay cả khi đi bộ không liên quan trực tiếp đến cổ, tuy nhiên điều này có thể tăng cường lưu lượng máu đến các mô mềm cột sống, từ đó thúc đẩy quá trình điều trị bệnh.
Người bệnh có thể thực hiện bài tập yoga cho cổ theo những bước sau đây:
- Người tập chuẩn bị ở tư thế đứng thẳng với hai tay đặt ngang hông
- Cổ và thắt lưng giữ thẳng, từ từ quay đầu sang trái cho đến khi cảm thấy căng nhẹ
- Giữ nguyên tư thế trong 10 – 20 giây sau đó từ từ từ quay đầu sang phải và thực hiện các động tác tương tự
- Mỗi bên thực hiện 3 – 4 lần
Phòng ngừa đau cứng cổ khi ngủ dậy
Để phòng ngừa tình trạng đau cứng cổ, các bác sĩ chuyên khoa xương khớp gợi ý một số biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Thay đổi tư thế ngủ: thói quen nằm sấp khi ngủ có thể gây căng thẳng cho cột sống cổ do đầu bị đẩy sang một bên. Bởi vậy, bạn nên nằm ngửa khi ngủ để tránh gây căng thẳng cho cột sống. Bên cạnh đó, các tư thế ngủ nghiêng cũng giúp hạn chế những tổn thương gây nên tình trạng đau cứng cổ khi ngủ dậy.
Tư thế ngủ phù hợp giúp hạn chế tình trạng đau cứng cổ khi ngủ
- Sử dụng gối phù hợp: việc lựa chọn loại gối phù hợp không chỉ mang lại một giấc ngủ ngon mà còn nâng đỡ tốt cho cột sống. Đối với người nằm ngửa khi ngủ, người bệnh có thể đặt một chiếc khăn cuộn tròn bên dưới cổ để hỗ trợ cột sống. Những người ngủ nghiêng có thể đặt một chiếc gối ở giữa hai đầu gối để giữ cho cột sống thẳng.
- Điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ thích hợp: yếu tố nhiệt độ khi ngủ cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho cổ bị đau cứng sau khi ngủ dậy. Bởi vậy, bạn cần lưu ý điều chỉnh điều hòa với nhiệt độ vừa phải, đóng cửa sổ khi ngủ để tránh gió lạnh lùa vào.
Đau cứng cổ khi ngủ dậy là hiện tượng khá phổ biến, không nguy hiểm tới tính mạng. Mặc dù vậy, người bệnh không nên chủ quan mà cần có kế hoạch điều trị phù hợp ngay khi phát hiện những triệu chứng bất thường.