Gai cột sống là thuật ngữ y khoa rất quen thuộc mà chúng ta đã từng nghe nhắc đến ít nhất 1 lần. Tuy nhiên đây là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết ra sao và điều trị như thế nào thì không phải ai cũng hiểu rõ. Vì vậy mọi người hãy dành chút thời gian theo dõi thông tin chia sẻ dưới đây để biết cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Gai cột sống là gì?
Gai cột sống là một trong những bệnh lý mãn tính về xương khớp rất thường gặp ở nước ta. Gai cột sống xảy ra bởi sự lắng đọng canxi và hình thành nên các mấu xương giả ký sinh ở đốt sống. Gây ra sự chèn ép tủy sống, dây thần kinh và dây chằng, mô cơ xung quanh cột sống. Điều này khiến cho người bệnh thường xuyên gặp phải tình trạng đau nhức cột sống, tê bì chân tay, cảm giác châm chích, tê ran ở dưới da rất khó chịu.
Gai cột sống có liên quan trực tiếp đến sự lão hóa tự nhiên của cơ thể nên người từ độ tuổi trung niên trở ra rất dễ mắc bệnh. Tuy nhiên hiện nay căn bệnh này cũng có thể mắc phải do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó người trẻ tuổi, thậm chí người ở độ tuổi 30 – 35 cũng có thể phải đối mặt với bệnh gai cột sống.
Gai cột sống có thể xảy ra ở bất kỳ đốt sống nào trên cột sống. Thế nhưng đoạn đốt sống cổ và đốt sống lưng là 2 đoạn đốt sống phải vận động nhiều nhất, dễ bị tổn thương, thoái hóa nhất. Nên các gai xương thường mọc lên ở các vị trí này. Nếu không được can thiệp điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến biến chứng teo cơ và bại liệt.
Nguyên nhân gai cột sống
Các nguyên nhân thường gặp dẫn đến bệnh gai cột sống có thể kể đến như:
- Sự lão hóa tự nhiên của cơ thể
Càng về già, tốc độ lão hóa của các cơ quan trên cơ thể càng diễn ra nhanh hơn. Đặc biệt sự thoái hóa của hệ thống xương khớp đã thúc đẩy quá trình hình thành gai xương và gây ra bệnh gai cột sống.
- Sự dư thừa canxi
Lượng canxi được dung nạp mỗi ngày quá nhiều khiến cơ thể không thể chuyển hóa hết. Hoặc do nguyên nhân bệnh lý nào đó khiến canxi không được hấp thụ vào cơ thể mà lắng đọng lại ở cột sống cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh gai cột sống.
- Yếu tố cân nặng
Thừa cân, béo phì đã gây ra sức ép lớn cho hệ xương khớp, đẩy nhanh tốc độ lão hóa và khiến xương khớp bị tổn thương, suy yếu. Từ đó thúc đẩy sự hình thành gai xương cột sống và gây ra bệnh.
- Mắc các bệnh về xương khớp
Thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm,… là những căn bệnh có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh gai cột sống. Các tổn thương này khiến đĩa đệm, cột sống không thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và dần bị bào mòn theo thời gian. Đây cũng là nguyên nhân kích thích sự hình thành gai xương cột sống rất thường gặp.
- Đặc thù công việc
Những công việc mang tính đặc thù như: Công nhân may mặc, người thợ xây dựng, nhân viên văn phòng, người lái xe,…. đều gây áp lực lớn cho cột sống. Khiến cột sống phải làm việc quá sức, ít có thời gian nghỉ ngơi. Dẫn đến sự lão hóa sớm và thúc đẩy quá trình hình thành gai xương cột sống.
- Yếu tố di truyền
Gai cột sống cũng là bệnh về xương khớp có yếu tố di truyền. Các nghiên cứu khoa học cho thấy những người sinh ra trong gia đình có bố, mẹ hoặc ông bà mắc bệnh về xương khớp thì bản thân người đó cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn từ 25 – 50% so với người khác.
Dấu hiệu gai cột sống
Gai cột sống là căn bệnh có tiến triển chậm. Ở giai đoạn đầu, dường như bệnh chưa gây ra triệu chứng gì bất thường nên rất dễ bị chủ quan bỏ qua. Chính điều này đã khiến việc phát hiện, điều trị bệnh có phần chậm trễ dẫn đến nhiều biến chứng xấu cho sức khỏe người bệnh.
Theo đó, những triệu chứng thường gặp cảnh báo bệnh gai cột sống mà mọi người cần lưu ý là:
- Cảm giác đau nhức ở vùng cổ và vùng thắt lưng. Cơn đau tăng nặng hơn khi vận động. Khi nghỉ ngơi triệu chứng bệnh có phần thuyên giảm
- Xuất hiện cơn đau ở vùng chẩm sau gáy. Cơn đau kéo dài trong nhiều ngày và có xu hướng lan rộng sang các khu vực xung quanh như: Vùng bả vai, cánh tay, tê mỏi cánh tay khiến người bệnh cảm thấy đuối sức khi vận động
- Cơn đau đột ngột ở vùng cột sống thắt lưng khi lao động gắng sức hoặc khi vận động mạnh. Cơn đau lan sang các khu vực khác như: Hai bên hông, bắp đùi, cẳng chân, bàn chân,…
- Tầm vận động ngày càng có dấu hiệu bị thu hẹp. Người bệnh gặp nhiều khó khăn
Gai cột sống có nguy hiểm không?
Gai cột sống là bệnh xương khớp mãn tính không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên nếu không được can thiệp xử lý kịp thời bệnh có thể gây ra rất nhiều hậu quả nặng nề cho sức khỏe, cuộc sống của người bệnh.
Cụ thể, những biến chứng gai cột sống có thể gây ra là:
- Gây tổn thương dây thần kinh tọa: Sự xuất hiện của gai xương sẽ chèn ép lên dây thần kinh tọa. Từ đó gây ra tình trạng đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng hông, hai bên mông, bắp đùi và cẳng chân. Làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng di chuyển và tầm vận động của người bệnh
- Tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm: Khi các gai xương phát triển quá mức sẽ chèn ép, cọ xát trực tiếp vào đĩa đệm, làm rách bao xơ đĩa đệm. Dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm. Căn bệnh này không chỉ làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh mà còn có thể dẫn đến biến chứng bại liệt nếu không được điều trị hiệu quả
- Gây đau thần kinh liên sườn: Sự phát triển của gai xương có thể chèn ép lên bất kỳ cơ quan nào tiếp xúc với nó. Vì vậy người bệnh cũng có thể phải đối mặt với các cơn đau dây thần kinh liên sườn đột ngột hoặc âm ỉ. Tính chất cơn đau có thể có sự khác nhau giữa từng người nhưng đều làm tác động tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của người bệnh
- Teo cơ, bại liệt: Gai xương chèn ép lên hệ thống dây thần kinh và mạch máu sẽ làm cản trở sự vận chuyển máu cùng oxy đi nuôi tế bào. Lâu dần sẽ dẫn đến biến chứng teo cơ, yếu cơ. Hệ quả cuối cùng là tình trạng tàn phế, bại liệt. Người bệnh phải sống phụ thuộc vào xe lăn và sự giúp đỡ của người khác.
Tóm lại gai cột sống là một trong những bệnh lý rất nguy hiểm về xương khớp. Trong khi đó bệnh ngày càng có sự trẻ hóa về độ tuổi với tỷ lệ người mắc bệnh gia tăng rõ rệt theo từng năm. Vì vậy mọi người không nên chủ quan với căn bệnh này. Hãy chủ động thăm khám, điều trị sớm nếu nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ bệnh gai cột sống để được tư vấn, điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Gai cột sống có chữa khỏi được không?
Như đã đề cập ở trên, gai cột sống là bệnh mãn tính về xương khớp có sự liên quan chặt chẽ với yếu tố tuổi tác. Do đó hiện nay y học vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này. Tuy nhiên nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp các triệu chứng bệnh có thể được cải thiện 80 – 90%.
Để đạt được hiệu quả tốt nhất trong quá trình điều trị bệnh và giảm thiểu tối đa các biến chứng xấu do bệnh gây ra. Người bệnh cần thực hiện tốt các vấn đề sau:
- Điều trị bệnh càng sớm càng tốt
- Thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tuân thủ phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra
- Thay đổi các thói quen xấu trong sinh hoạt
- Tích cực vận động thể chất giúp tăng cường sự dẻo dai cho xương khớp. Góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi sức khỏe
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm có lợi cho xương khớp và giúp cải thiện hệ miễn dịch như: Thực phẩm giàu canxi, vitamin, khoáng chất, chất xơ,….
Cách điều trị gai cột sống
Tùy vào mức độ bệnh lý và tình trạng sức khỏe của mỗi người mà bác sĩ sẽ tư vấn áp dụng phương pháp điều trị bệnh khác nhau. Cụ thể có 4 phương pháp chính là:
Điều trị gai cột sống bằng thuốc Tây
Thuốc Tây chữa gai cột sống thường được chỉ định trong các trường hợp mắc bệnh mức độ nhẹ. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến là:
- Nhóm thuốc giảm đau thông thường: Gồm có Paracetamol, Diclofenac và Ibuprofen
- Nhóm thuốc Corticoid
- Nhóm thuốc bổ sung vitamin: Vid dụ vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6,….
Nhìn chung các loại thuốc này đều đem lại hiệu quả cao với tác dụng nhanh trong việc cải thiện triệu chứng bệnh gai cột sống. Tuy nhiên đây cũng chính là “con dao 2 lưỡi” vì có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ cho sức khỏe nếu sử dụng bừa bãi.
Các tác dụng phụ người bệnh có thể gặp khi dùng thuốc Tây trong thời gian dài là: Suy giảm chức năng gan, suy thận, viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt,….Do đó người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc Tây khi có chỉ định của bác sĩ và dùng thuốc đúng theo hướng dẫn để hạn chế tối đa các biến chứng không mong muốn.
Chữa gai cột sống bằng cách dân gian
Trong dân gian lưu truyền khá nhiều bài thuốc chữa gai cột sống từ các loại cây thảo dược. Cách chữa bệnh này đem lại khá nhiều ưu điểm nổi bật như: An toàn, lành tính, phù hợp với nhiều đối tượng, chi phí thấp,… Vì vậy hiện nay các bài thuốc chữa gai cột sống này vẫn đang được áp dụng rất rộng rãi. Chẳng hạn như bài thuốc từ hạt đu đủ, ngải cứu, lá lốt, đinh lăng….
Vật lý trị liệu chữa gai cột sống
Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị bảo tồn đem lại tác dụng rất tốt trong điều trị và phòng ngừa bệnh gai cột sống. Đặc biệt là vật lý trị liệu là cách chữa bệnh không xâm lấn, không dùng thuốc nên người bệnh có thể tránh được các rủi ro không mong muốn và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Các liệu pháp được áp dụng phổ biến là: Điện trị liệu, sóng siêu âm, kéo giãn cột sống, châm cứu, bấm huyệt,… Người bệnh kiên trì thực hiện liệu pháp theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ thấy cảm giác đau nhức và các triệu chứng khó chịu do gai cột sống gây ra được cải thiện rõ rệt.
Điều trị phẫu thuật gai cột sống
Điều trị phẫu thuật là giải pháp cuối cùng trong y học được chỉ định với các trường hợp mắc bệnh mức độ nặng hoặc không đáp ứng được với thuốc điều trị thông thường. Ngoài ra, phẫu thuật gai cột sống cũng được chỉ định với một số trường hợp như:
- Gai xương chèn ép gây ra các phản ứng sưng, viêm khiến người bệnh đau đớn, mệt mỏi
- Gai cột sống gây biến chứng rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn hoạt động đại tiểu tiện
- Gai xương làm hẹp ống sống gây ra sự chèn ép tủy sống
Phẫu thuật loại bỏ gai xương giúp chấm dứt diễn tiến bệnh và bảo toàn chức năng vận động cho người bệnh. Tuy nhiên không phải mọi ca phẫu thuật đều đem lại tỷ lệ thành công như mong muốn. Hơn nữa chi phí chi trả cho một ca điều trị đôi khi vượt quá điều kiện kinh tế của người bệnh.
Gai cột sống là căn bệnh về xương khớp phổ biến, các biến chứng do bệnh gây ra là rất nặng nề và nguy hiểm. Do đó mỗi người nên chú ý trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất về căn bệnh này để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Chúc sức khỏe!