Ho dị ứng có thể xảy ra với cả người lớn và trẻ nhỏ ở nhiều thời điểm khác nhau. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm phế quản, ho mãn tính hoặc viêm phổi. Do đó, việc xác định và điều trị ho dị ứng kịp thời rất quan trọng.
Ho kích ứng là gì?
Ho do dị ứng là tình trạng niêm mạc họng bị kích ứng từ các yếu tố dị nguyên như thức ăn, phấn hoa, lông động vật, thời tiết…gây ra các phản xạ ho.
Khi bị ho dị ứng, người bệnh ho thành từng cơn, nhất là trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy hoặc khi chuyển đổi tư thế từ nằm sang ngồi và ngược lại.
Những cơn ho thường kèm theo ngứa rát cổ họng, ho khan, hoặc nếu ho có đờm thì đờm trong và xét nghiệm cận lâm sàng thì kết quả bạch cầu không tăng.
Triệu chứng ho dị ứng
Ho dị ứng ở trẻ em hay người lớn đều rất thường gặp với các triệu chứng phổ biến như:
- Mũi bị ngứa, hắt xì, ngứa họng và ho thành từng cơn khiến cổ họng bị đau rát. Có thể là ho khan hoặc ho có đờm. Khi tiến hành xét nghiệm không thấy bạch cầu tăng;
- Trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy bị ho;
- Ho hàng tháng hoặc hàng năm mà sử dụng các thuốc chống viêm thông thường không khỏi;
- Xuất hiện phản xạ co thắt họng – thanh quản gây khó thở hoặc phù Quincke họng – thanh quản.
Nguyên nhân ho dị ứng
Những tác nhân từ bên ngoài môi trường như: thời tiết, thực phẩm, hóa chất…có thể gây ra tình trạng ho dị ứng thời tiết.
- Ho dị ứng thời tiết
Ho dị ứng thời tiết là tình trạng ho do thay đổi thời tiết, thường xảy ra vào những thời điểm giao mùa hoặc trời chuyển lạnh. Đối với những người thuộc trường hợp này, vùng họng thường nhạy cảm hơn và dễ bị kích ứng. Ho do thay đổi thời tiết thường là ho khan kèm theo ngứa rát cổ họng.
- Phấn hoa
Phấn hoa là một trong những nguyên nhân gây ho dị ứng. Vì hạt phấn hoa cực kỳ nhỏ và bay lơ lửng trong không khí. Khi chúng ta hít thở, phấn hoa có thể dính vào lớp niêm mạc mũi họng dẫn đến triệu chứng đặc trưng như: ho, ngứa mũi, sổ mũi, ngứa mắt,…
- Lông của vật nuôi
Hiện nay, những con vật dễ thương như: chó, mèo, chuột,…được nuôi dưỡng và chăm sóc giống như một thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, những vật nuôi này có thể là nguyên nhân gây triệu chứng ho dị ứng cho bạn. Lông của chúng có thể bám vào quần áo, ghế, thảm, hoặc bay lơ lửng trong không khí. Ở người có cơ địa mẫn cảm, khi lông của vật nuôi đi vào cơ thể thông qua việc hít thở có thể gây ho dị ứng, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt….
- Nấm mốc
Nấm mốc thường xuất hiện ở những nơi ẩm ướt và có thể xâm nhập vào cơ thể của chúng ta gây ra phản ứng dị ứng. Người bị dị ứng nấm mốc thường có biểu hiện ho, hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, kích ứng mắt, hen suyễn.
Ho dị ứng kéo dài phải làm sao?
Khi bị ho dị ứng, người bệnh có thể áp dụng những cách trị ho sau:
Thuốc điều trị ho dị ứng
Ho do dị ứng cần được điều trị bằng thuốc dị ứng, thuốc kháng histamin H1; thuốc giảm tiết nhầy mũi và đờm, thuốc giảm mẫn cảm kết hợp với 1 số loại siro ho hoặc viên ngậm giảm ho nguồn gốc thảo dược. Cần lưu ý là các thuốc kháng histamin h1 như promethazin hydroclorid, clorpheniramin,… chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng ho dị ứng, khó thở, phát ban,… chứ không điều trị được tận gốc nguyên nhân gây bệnh.
Trường hợp có nhiều đờm, cần có các biện pháp giúp khạc đờm dễ dàng hơn, ở trẻ nhỏ cần giúp trẻ sổ đờm được dễ dàng hơn bằng 1 số loại thuốc long đờm, siro long đờm kết hợp vỗ rung long đờm.
Tuy nhiên, nhiều người bệnh hay phụ huynh đang có những sai lầm trong sử dụng thuốc điều trị ho do dị ứng. Một số trường hợp, lẽ ra cần dùng thuốc giảm ho, long đờm thì người ta lại tự ý mua loại thuốc giảm ho nhưng làm đờm bị quánh lại, không khạc ra ngoài được khiến người bệnh mệt mỏi, khó thở. Vì vậy, không nên tự ý dùng thuốc giảm ho nếu chưa xác định được đúng nguyên nhân gây ho.
Trong trường hợp ho dị ứng kèm theo đờm, đờm nhiều, đặc dính và khó khạc ra thì cần dùng đến thuốc long đờm để giúp đờm loãng và tống xuất ra dễ dàng làm thông thoáng đường thở.
Nếu bị ho mà không kèm theo dấu hiệu sốt, mệt mỏi, có thể dùng thuốc ho long đờm và chú ý quan sát xem có phải bị ho do dị ứng thời tiết hay dị ứng thực phẩm không để có biện pháp xử trí đúng đắn.
Siro ho dị ứng
Siro ho dị ứng bằng các thảo dược tự nhiên giúp giảm ho nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Chẳng hạn như siro mật ong quất, siro quất đường phèn…
Vệ sinh mũi, họng sạch sẽ bằng nước muối sinh lý
Người bệnh bị ho dị ứng cần được chăm sóc và vệ sinh đúng cách, nếu không rất dễ dẫn đến tình trạng bội nhiễm như viêm phế quản, viêm phổi,…Do vậy người bệnh cần thường xuyên vệ sinh mũi và cổ họng bằng nước muối sinh lý, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và vận động hợp lý.
Đến gặp bác sĩ chuyên khoa
Nếu sau 3 ngày mà người bệnh chưa đỡ ho, cần đến gặp các bác sĩ hô hấp để được chẩn đoán đúng bệnh và dùng thuốc phù hợp.
Cách phòng tránh ho dị ứng
Bên cạnh việc áp dụng các phác đồ điều trị ho dị ứng, người bệnh cũng cần áp dụng một số biện pháp sau để phòng tránh ho hiệu quả hơn:
- Tránh xa các tác nhân gây bệnh
- Luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh khói bụi
- Tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch bằng cách tập thể dục, thể thao
- Duy trì chế độ ăn uống điều độ: ăn các thực phẩm tươi, có nguồn gốc thiên nhiên, bổ sung thêm vitamin C (cam, bưởi, ổi, … ), tránh các thức ăn ôi thiu, đồ ăn chế biến sẵn,…
- Uống nhiều nước để giữ ẩm đường hô hấp, làm loãng nhầy trong cổ họng
- Sử dụng thêm một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe để phòng và hỗ trợ điều trị ho dị ứng
Trên đây là những thông tin về ho dị ứng, mong rằng giúp bạn đọc hiểu rõ hơn và có biện pháp phòng tránh, điều trị phù hợp đẩy lùi bệnh nhanh chóng.