Hội chứng chèn ép tủy sống gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh khiến người mắc chịu đựng cơn đau nhức, nóng rát tại nhiều vị trí kèm theo các biểu hiện khó chịu khác. Dưới đây là toàn bộ thông tin chi tiết về bệnh mà bạn nên biết!
Hội chứng chèn ép tủy là gì?
Hội chứng chèn ép tủy là hiện tượng tủy sống bị áp lực đè nén lớn. Hội chứng này có thể bắt gặp ở bất kỳ vị trí nào trên cột sống, bắt đầu từ cột sống cổ tới cột sống thắt lưng.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nhiều nhất là bệnh nhân ung thư. Các báo cáo của y học đã ghi nhận cứ 100 người bị ung thư thì có tới 5 bệnh nhân phát hiện hội chứng chèn ép tủy sống do khối u bắt đầu di căn vào trong xương. Ung thư phổi, ung thư vú hoặc ung thư tiền liệt tuyến là “hung thủ” hàng đầu gây bệnh.
Triệu chứng hội chứng chèn ép tủy
Các biểu hiện của hội chứng chèn ép tủy sống phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh, có thể diễn ra chậm hoặc nhanh. Trong đó:
- Nguyên nhân chấn thương sẽ gây ra các triệu chứng có diễn biến nhanh
- Bệnh do khối u hoặc nhiễm trùng thì biểu hiện của bệnh phát triển chậm theo nhiều ngày, nhiều tuần.
- Thoái hóa cột sống gây chèn ép tủy thì triệu chứng có thể âm thầm trong vài năm.
Tuy nhiên tất cả người bệnh đều gặp phải những dấu hiệu nhận biết bệnh điển hình như:
- Đau cứng lưng, cổ, thắt lưng
- Cơn đau kèm theo cảm giác nóng rát ở mông, cánh tay rồi lan xuống hai chân (đây là biểu hiện của cơn đau thần kinh tọa).
- Có cảm giác yếu, tê hoặc chuột rút ở cánh tay, chân và bàn tay
- Bàn chân người bệnh bị mất cảm giác
- Sự phối hợp giữa chân và tay thiếu linh hoạt, khó khăn
- Người bệnh bị yếu một bên chân, có thể đi khập khiễng, không thể đi thẳng như người khỏe mạnh
- Ham muốn tình dục giảm sút.
Thậm chí nếu hội chứng chèn ép tủy sống xảy ra ở vùng lưng dưới thì có thể kèm theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác như:
- Mất kiểm soát bàng quang và ruột
- Xuất hiện cơn tê bì sâu ở mặt sau của chân, đùi trong hoặc giữa hai chân
- Hai chân đau dữ dội, yếu, khó cử động, nhất là khi đi lại.
Nguyên nhân gây hội chứng chèn ép tủy
Như bài viết đã trình bày chi tiết bên trên, nguyên nhân gây hội chứng chèn ép tủy có thể là do:
Chấn thương
Những chấn thương như gãy đốt sống khiến các mảnh xương tung ra khỏi vị trí hoặc chấn thương dây chằng, trật khớp do tai nạn giao thông, tai nạn lao động là nguyên nhân khách quan dẫn tới hội chứng chèn ép tủy. Tuy nhiên những nguyên nhân này thường không cần quá lo lắng, chỉ cần phục hồi chấn thương là các biểu hiện của bệnh cũng dần biến mất.
Ảnh hưởng của bệnh lý về xương khớp
Nguyên nhân tiếp theo gây bệnh bạn cần lưu ý là các bệnh lý về xương khớp như thoát vị đĩa đệm lồng ngực hoặc cổ, thoái hóa cột sống, loãng xương. Đây đều là những căn bệnh nguy hiểm cho sức khỏe xương khớp và khả năng vận động của người bệnh.
Áp xe, tụ ngoài màng cứng
Hiện tượng áp xe, tụ ngoài màng cứng tự phát cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới hội chứng chèn ép tủy. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức tại vị trí dịch tụ trong xương. Việc cử động, đi lại, thậm chí là cầm nắm vật của bệnh nhân trở nên khó khăn.
Khối u di căn
Khi khối u phát triển, kích thước của chúng lớn dần sẽ chèn ép hoặc di căn vào trong tủy sống. Sự di căn này sẽ khiến tủy phải chịu áp lực dồn nén lớn, gây hội chứng chèn ép tủy. Thường trong những trường hợp mắc bệnh do khối u di căn thì tỷ lệ điều trị thành công dứt điểm gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tử vong rất cao.
Chẩn đoán hội chứng chèn ép tủy
Quá trình chẩn đoán bệnh kết hợp việc thăm khám, kiểm tra thể chất và kết quả các xét nghiệm chuyên sâu. Theo đó, đầu tiên các bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về những triệu chứng bất thường xuất hiện trên cơ thể trong thời gian gần đây. Sau đó, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như:
- Chụp X-quang cột sống để phát hiện sự chèn ép bất thường lên các dây thần kinh.
- Chụp MRI hoặc CT giúp đánh giá cấu trúc tủy sống
- Quét xương, điện tâm đồ EMG nhằm phân tích và đánh giá hoạt động hệ thống cơ.
Dựa theo kết quả từ những xét nghiệm chuyên sâu trên, các bác sĩ sẽ đưa ra nguyên nhân gây bệnh và kết luận phù hợp cùng với một phác đồ điều trị hiệu quả.
Điều trị hội chứng chèn ép tủy
Các phương pháp chính trong việc điều trị hội chứng tủy bị chèn ép là:
- Sử dụng thuốc Tây y: Với những trường hợp mắc bệnh do ảnh hưởng các vấn đề xương khớp hoặc chấn thương thì các loại thuốc Tây y thường sử dụng cho người bệnh là thuốc chống viêm không chứa steroid, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do khối u hoặc áp xe thì sẽ sử dụng loại thuốc đặc trị khác.
- Áp dụng các bài vật lý trị liệu: Song song với việc sử dụng thuốc Tây y, người bệnh nên áp dụng thêm các bài tập vật lý trị liệu tại nhà như massage, xoa bóp vùng lưng đau nhức, châm cứu, chườm nóng/ lạnh,.. Phương pháp này để hỗ trợ giảm triệu chứng của bệnh.
- Phẫu thuật: Nếu bệnh không đáp ứng những biện pháp trên thì cần tiến hành phẫu thuật.
Phòng ngừa hội chứng chèn ép tủy
Để phòng ngừa hội chứng chèn ép tủy, ngay từ bây giờ, bạn hãy thực hiện theo những chỉ dẫn sau:
- Điều chỉnh tư thế làm việc, nghỉ ngơi đúng chuẩn.
- Nên dành ra 30 – 40 phút mỗi ngày để tập luyện thể thao, nâng cao sức đề kháng và giúp xương khớp dẻo dai hơn.
- Kiểm soát cân nặng, duy trì vóc dáng thon gọn để tránh tạo áp lực cho cột sống.
Có thể thấy rằng, hội chứng chèn ép tủy sống gây ra nhiều bất tiện và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh. Do đó bạn nên thăm khám định kỳ hàng năm để kịp thời phát hiện và có những biện pháp điều trị trong thời gian sớm.