Hội chứng ngưng thở khi ngủ được xem là “sát thủ bóng đêm” có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được can thiệp xử lý kịp thời. Vậy ngưng thở khi ngủ là gì? Chẩn đoán điều trị như thế nào? Dưới đây là các thông tin cơ bản về căn bệnh này mà mọi người cần nắm rõ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?
Ngưng thở khi ngủ là hiện tượng xảy ra khi người bệnh ngừng hít thở trong khoảng 5 – 10 giây trong giấc ngủ. Những người gặp phải tình trạng này thường dẫn đến sự rối loạn giấc ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ.
Nếu chứng ngưng thở diễn ra nhiều lần trong đêm và kéo dài có thể khiến não bộ và các cơ quan khác trên cơ thể bị thiếu hụt oxy gây ra cảm giác mệt mỏi sau khi thức dậy. Ngoài ra, nếu bệnh diễn biến nặng không được chẩn đoán điều trị sớm còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Nguyên nhân gây hội chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ xảy ra khi đường hô hấp trên bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn phần khi bạn đang nằm ngủ. Tình trạng này mắc phải do não bộ không truyền dẫn được tín hiệu kịp thời đến hệ thần kinh trung ương để điều khiển hệ cơ hô hấp.
Theo đó, những nguyên nhân thường gặp dẫn đến hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể kể đến như:
- Thừa cân, béo phì
- Các bệnh lý về xoang
- Bệnh về amidan, phì đại VA hoặc tổn thương về lưỡi
Triệu chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ xảy ra khi người bệnh đang ngủ. Do đó bệnh chỉ được phát hiện bởi người thân hoặc người ngủ cùng giường với người bệnh. Mặc dù về ban ngày hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể gây ra một số biểu hiện bất thường. Nhưng đa phần đều bị chủ quan bỏ qua do không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường ngày hoặc nhầm lẫn với các cảm giác mệt mỏi thông thường.
Một số triệu chứng bệnh thường gặp có thể kể đến như:
- Ngủ ngáy, thở gấp, khó thở, nghẹt mũi, khịt mũi khi ngủ,… Thường thức giấc giữa đêm trong trạng thái mệt mỏi, thở hổn hển, hơi thở gấp gáp
- Ngưng thở nhiều lần trong đêm, mỗi lần kéo dài trong khoảng 5 – 10 giây
- Thường cảm thấy họng bị khô rát vào buổi sáng
- Cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ ủ rũ vào ban ngày, mất khả năng tập trung
- Đi tiểu nhiều về đêm
- Dễ cáu gắt, tính cách thay đổi thất thường
- Suy giảm trí nhớ, nhớ nhớ quên quên bất thường
Ngưng thở khi ngủ có nguy hiểm không?
Hô hấp là chức năng đặc biệt quan trọng để duy trì sự sống của cơ thể người. Do đó hiện tượng ngưng thở khi ngủ là triệu chứng rất nguy hiểm có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề cho sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh.
Cụ thể, hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng như:
- Suy giảm sức khỏe: Cơ thể mệt mỏi, suy nhược làm giảm chất lượng cuộc sống và hiệu quả lao động, làm việc
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch: Ngưng thở dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong máu. Từ đó dẫn đến hàng loạt bệnh lý về tim như: Suy tim, nhịp tim không đều, đau tim,…
- Đột quỵ: Ngưng thở thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng đến chức năng của não bộ dẫn đến nguy cơ đột quỵ
- Rối loạn chức năng sinh dục: Ngưng thở khi ngủ khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, suy giảm ham muốn tình dục. Dần dần làm ảnh hưởng đến cảm xúc và sự thăng hoa trong đời sống tình dục ở cả nam giới và phụ nữ
- Biến chứng tiểu đường: Các nghiên cứu y học cho biết hội chứng ngưng thở khi ngủ có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh tiểu đường. Nếu để tình trạng này xảy ra trong thời gian dài người bệnh rất có thể sẽ mắc phải bệnh tiểu đường.
Chẩn đoán ngưng thở khi ngủ
Các phương pháp chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ đang được áp dụng là:
- Thăm khám lâm sàng cơ quan hô hấp
- Thăm khám lâm sàng cơ quan Tai – Mũi – Họng
- Áp dụng kỹ thuật điện tim
- Đa ký hô hấp xác định chỉ số ngừng thở được kí hiệu là IAH
Điều trị ngưng thở khi ngủ
Dựa vào kết quả thăm khám, chẩn đoán bệnh, hiện tượng ngưng thở khi ngủ được điều trị như sau:
Điều trị bệnh mức độ nhẹ
Thay đổi lối sống, duy trì thói quen sinh hoạt khoa học lành mạnh là giải pháp điều trị bệnh an toàn, hiệu quả với những trường hợp mắc bệnh mức độ nhẹ. Người bệnh cần thực hiện tốt các vấn đề như:
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh để cơ thể tăng cân mất kiểm soát
- Không sử dụng bia rượu và các chất kích thích khác
- Nên nằm ngủ ở tư thế nghiêng, không nên nằm sấp khi ngủ. Có thể sử dụng thêm gối ngủ chuyên dụng để hỗ trợ nâng đỡ giấc ngủ
- Xây dựng thực đơn dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường bổ sung các nhóm chất có lợi cho sức khỏe như: Vitamin, khoáng chất, canxi, magie, protein,… giúp nâng cao sức đề kháng, duy trì thể trạng khỏe mạnh, đẩy lùi bệnh tật
- Sử dụng kết hợp các dụng cụ hỗ trợ do bác sĩ tư vấn
Điều trị bệnh mức độ trung bình
Lúc này người bệnh có thể được tư vấn điều trị bằng một số phương pháp phẫu thuật như: Phẫu thuật sửa vách ngăn mũi bị lệch, phẫu thuật cắt bỏ amidan, phẫu thuật nâng cao xương hàm,…
Điều trị bệnh ở mức độ nặng
Với những trường hợp ngưng thở mức độ nặng, thời gian và số lần ngưng thở kéo dài thì bệnh nhân sẽ được sử dụng máy thở. Máy sẽ giúp duy trì việc cung cấp lượng kho vào đường thở để duy trì khả năng hô hấp cho người bệnh.
Phòng ngừa hội chứng ngưng thở khi ngủ
Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, mọi người cần thực hiện tốt các vấn đề sau:
- Tránh xa các loại chất kích thích và đồ uống độc hại
- Không sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc an thần bừa bãi
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh. Duy trì vóc dáng ở trạng thái lý tưởng
- Nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế lao động nặng nhọc quá sức
- Duy trì trạng thái tâm lý vui vẻ, lạc quan. Tránh để căng thẳng kéo dài
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để được tầm soát sớm nguy cơ bệnh tật
Hội chứng ngưng thở khi ngủ không quá phổ biến nhưng lại rất nguy hiểm. Có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề cho sức khỏe mỗi người. Do đó mọi người không được chủ quan. Hy vọng những thông tin chia sẻ trong bài viết đã đem đến bạn đọc thêm nhiều kiến thức hữu ích.