Khó nuốt là cảm giác gây khó chịu, chán ăn gặp phải ở không ít người bệnh. Đây là biểu hiện của một số bệnh lý cần điều trị dứt điểm. Hiểu rõ về nguyên nhân, dấu hiệu sẽ giúp bạn tạm biệt chứng khó nuốt nhanh chóng.
Khó nuốt là gì?
Khó nuốt là hiện tượng thức ăn bị dính hoặc cản trở khi đi qua thực quản, khiến thức ăn không thể trôi xuống dễ dàng như bình thường. Để hiểu rõ hơn về tình trạng khó nuốt, cần tìm hiểu quá trình nuốt diễn ra như thế nào trong quá trình tiêu hóa.
Đầu tiên, động tác nuốt bắt đầu bằng việc thức ăn được răng nghiền nát và lưỡi co lại, đẩy toàn bộ thực phẩm xuống cổ họng. Khi đó, thức ăn và nước bọt sẽ kích thích các thụ thể phản xạ ở hầu rồi tự động nuốt xuống. Đây là một quá trình diễn ra nhanh chóng nhưng đòi hỏi 1 chuỗi các phản xạ phức tạp của các cơ quan hệ tiêu hóa. Nếu bộ phận này gặp vấn đề, thức ăn có thể gây tắc thực quản hoặc trôi sang đường thở, gây khó thở.
Khi thức ăn đến hầu, cơ hầu co lại và nhu động đưa thức ăn xuống thực quản. Tuy nhiên, nếu nhu động bị ức chế bởi bất kỳ nguyên nhân nào đó khiến chúng không thể hoặc khó đẩy thức ăn xuống phía dưới sẽ gây ra cảm giác khó nuốt.
Hậu quả là thức ăn bị đọng lại ở thành thực quản và làm căng phồng, kích thích phản xạ của cơ trơn họng hầu. Lâu dần, người bệnh sẽ mất cảm giác thèm ăn, đau họng và khó nhai nuốt.
Dấu hiệu cảnh báo khó nuốt
Thực phẩm khi đi qua thực quản sẽ được tiêu hóa nếu có kích thước phù hợp và không bị cản trở bởi bất kỳ yếu tố nào. Tuy nhiên, khi người bệnh khó nuốt sẽ gây tắc nghẽn thức ăn tại cổ họng. Trong trường hợp người bệnh khó nuốt hoặc nuốt nghẹn thức ăn sẽ kèm theo các dấu hiệu sau:
- Trong khoang miệng tiết nhiều nước bọt hơn bình thường.
- Luôn có cảm giác dị vật ở trong cổ họng, cảm thấy vướng cổ họng ngay cả khi nuốt nước bọt.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Có cảm giác chất lỏng, dịch nhầy hoặc thức ăn mắc trong cổ họng nhưng không khạc ra được.
- Nghẹn khi ăn uống và bị ho.
- Thay đổi giọng nói, khàn tiếng.
- Có cảm giác khó chịu ở cổ họng hoặc lồng ngực.
- Có thể chảy nước dãi không kiểm soát được.
- Phải cắt thức ăn thành miếng nhỏ mới có thể ăn uống được.
- Thường xuyên ợ nóng, ợ hơi.
Khi gặp những dấu hiệu kể trên đi kèm với triệu chứng khó nuốt, đặc biệt là giảm cân, nôn mửa bạn cần đến thăm khám bác sĩ để kịp thời điều trị. Nhiều trường hợp thức ăn gây tắc nghẽn đường hô hấp, khó thở cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân khó nuốt
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó nuốt. Xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp các bác sĩ đề ra phác đồ điều trị phù hợp, dứt điểm triệu chứng bệnh. Một số nguyên nhân thường gặp nhất phải kể đến:
- Trào ngược dạ dày thực quản: Bệnh lý này khiến lượng axit dư thừa từ cơ quan tiêu hóa di chuyển ngược lên cổ họng và thực quản. Người bệnh sẽ có cảm giác vướng ở cổ họng, ợ hơi, khó nuốt, buồn nôn khi mắc trào ngược dạ dày.
- Hen suyễn: Những người bị hen suyễn thường gặp phải triệu chứng khó thở, nghẹn cổ họng, khó nuốt, thở khò khè, đau ngực. Nguyên nhân là bởi đường thở bị hẹp và viêm, gây tổn thương cho phổi, làm chúng không cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Cơn hen có thể xuất hiện bất chợt và gây nguy hiểm đến tính mạng nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời.
- Viêm amidan: Amidan là 2 hạch bạch huyết nằm trong thành họng, có vai trò tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng hô hấp. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn tấn công quá mạnh sẽ khiến bộ phận này bị sưng to và tổn thương. Người bệnh sẽ cảm thấy tức cổ, đau, ngứa, sốt, đau đầu và kèm theo khó nuốt khi viêm amidan.
- Đau họng: Đau họng là tình trạng cổ họng bị nhiễm trùng gây nên cảm giác khó thở, khó nuốt. Viêm họng có thể tiến triển thành mãn tính nếu không được điều trị dứt điểm và nhanh chóng.
- Dị ứng: Các yếu tố dị nguyên có thể là nguyên nhân khiến cổ họng sưng tấy và nghẹn khi nhai nuốt thức ăn. Bên cạnh đó, khi bị dị ứng, bạn có thể gặp phải triệu chứng chảy nước mũi, khàn giọng, ù tai, khó thở… Khi bị dị ứng, bạn nên đi khám và điều trị kịp thời bởi nếu không rất dễ chuyển sang giai đoạn sốc phản vệ vô cùng nguy hiểm.
- Viêm họng hạt: Là hậu quả của quá trình nhiễm trùng niêm mạc mũi tái phát. Khi virus xâm nhập vào cổ họng sẽ làm hình thành nên các hạt nhỏ, cản trở quá trình tiêu hóa. Bệnh còn gây nên cảm giác vướng víu, ngứa ngáy, khó chịu trong cổ họng và biến chuyển thành áp xe nếu không được xử lý kịp thời.
Cách chữa khó nuốt
Để chữa khó nuốt, bạn cần đi khám bác sĩ và tuân thủ đúng phác đồ điều trị phù hợp. Ngoài ra, áp dụng một số phương pháp hỗ trợ tại nhà cũng mang lại hiệu quả tốt. Cụ thể:
- Trong quá trình ăn uống, bạn nên tập trung và không nói chuyện khi ăn.
- Cần duy trì tư thế ngồi thẳng lưng, hơi nghiêng đầu về phía trước khi ăn.
- Uống nhiều nước nhằm hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn.
- Ăn chậm, nhai kỹ và có thể cắt thức ăn thành những miếng nhỏ.
- Hạn chế ăn đồ cứng, khó nuốt.
- Trong trường hợp bệnh nghiêm trọng, bạn có thể sử dụng ống thông để đưa thức ăn xuống thực quản.
- Áp dụng một số bài tập khi nuốt sẽ giúp kích thích dây thần kinh phản xạ nuốt tốt hơn.
- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu viên thuốc quá to, bạn có thể bẻ nhỏ ra cho dễ nuốt.
- Phẫu thuật: Trong trường hợp chứng khó nuốt do khối u gây ra, bạn cần phẫu thuật để loại bỏ chúng.
Khó nuốt là hiện tượng thường thấy và không khó để điều trị dứt điểm nếu bạn áp dụng đúng phương pháp. Hy vọng những kiến thức trên đây sẽ giúp bạn tránh được những căn bệnh nguy hiểm từ dấu hiệu khó nuốt gây ra. Chúc bạn đọc luôn khỏe mạnh!