Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản là công việc cần thiết giúp cho quá trình chăm sóc bệnh nhân được toàn diện, hiệu quả, nhờ vậy rút ngắn thời gian hồi phục cho người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về mục đích cũng như cách thức lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân.
Mục đích của việc lập kế hoạch chăm sóc
Một kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tốt sẽ giúp người chăm sóc đảm bảo các mục tiêu sau:
- Giúp công tác chăm sóc bệnh nhân diễn ra một cách hiệu quả, tình trạng bệnh được chữa trị hoàn toàn.
- Thông qua các thông tin trong kế hoạch, nhân viên y tế có thể phát hiện và phòng ngừa được các diễn biến, dấu hiệu bất thường của bệnh. Nhờ vậy đưa ra được phương án sử dụng thuốc thích hợp như: Thuốc chống phù nề, thuốc long đờm, thuốc giảm đau, thuốc chống tiết dịch,…
- Nâng cao khả năng hồi phục hệ miễn dịch cho bệnh nhân. Phòng ngừa tối đa nguy cơ bệnh tái phát.
- Giúp rút ngắn thời gian trị liệu nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả cải thiện bệnh.
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản
Để lập được một kế hoạch chăm sóc tốt nhất, bạn cần tiến hành theo các giai đoạn sau:
Thu thập thông tin
Điều dưỡng hoặc nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân cần thăm hỏi và khai thác các thông tin sau đây:
- Lý do bệnh nhân nhập viện, thể trạng của bệnh nhân khi vào viện ra sao?
- Bệnh nhân có ho hoặc sốt nhiều không? Ho khan hay ho có đờm? nếu có đờm thì đờm nhầy ra sao? Màu sắc thế nào?
- Bệnh nhân có ho liên tục không? Thời điểm bệnh nhân ho nhiều nhất?
- Người bệnh có khó thở không? Tình trạng này xảy ra lúc nghỉ ngơi hay làm việc quá sức? khó thở khi thở ra hay hít vào?
- Tiền sử gia đình có ai mắc các bệnh lý tương tự không? Trong nhà có ai thường xuyên hút thuốc không?
Đánh giá tình trạng bệnh nhân
Người chăm sóc cần quan sát bao quát bệnh nhân, sau đó đưa ra nhận định chi tiết về độ tỉnh táo, trạng thái, da mặt, sắc mặt. Nếu mọi thứ đều ổn thì bắt đầu kiểm tra dấu hiệu sinh tồn (huyết áp, nhịp thở, mạch và nhiệt độ).
Trong khi đánh giá tình trạng người bệnh, nhân viên y tế cũng cần tóm tắt quá trình bệnh để phục vụ cho các bước kế tiếp của kế hoạch chăm sóc. Với chứng viêm phế quản, bệnh thường chia thành 2 thời kì đó là:
- Thời kì đầu: Trong thời kì này, người bệnh thường có các biểu hiện tương tự với chứng cảm thường như ho, sổ mũi, sốt nhẹ kèm theo các dấu hiệu toàn thân như đau nhức khớp, cơ, mệt mỏi.
- Thời kì thứ hai: Lúc này bệnh đã diễn biến nawgj, các biểu bệnh không những không giảm nhẹ mà còn có xu hướng nặng thêm. Các cơn ho xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, hiện tượng khó thở cũng diễn ra thường xuyên hơn. Dịch tiết và đờm tăng lên nhiều, có màu và thậm chí còn có mủ.
Lập kế hoạch chăm sóc
Sau khi đã xác định và tổng hợp đủ thông tin về tình trạng bệnh nhân, nhân viên y tế tiến hành liệt kê những công việc, thủ thuật cụ thể nếu có nhằm chăm sóc cho bệnh nhân một cách tốt nhất. những thủ thuật, công việc này cần đáp ứng nhu cầu cũng như giúp bệnh nhân mong chóng phục hồi, cụ thể trong phần kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản sẽ có những công việc sau:
- Làm sạch chất dịch nhầy đọng lại trong phế quản.
- Thực hiện đầy đủ y lệnh thuốc cho người bệnh.
- Chăm sóc bệnh nhân cả về dinh dưỡng lẫn tinh thần.
- Phòng ngừa và phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường và các biến chứng.
- Tiến hành giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân.
Thực hiện chăm sóc theo đúng kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản
Làm sạch chất dịch nhầy đọng lại trong phế quản:
- Để người bệnh nằm với tư thế dẫn lưu (đặt đầu thấp và nghiêng về một phía).
- Cho người bệnh uống nhiều nước (nếu chưa có phù và suy tim) để dễ khạc đờm.
- Tiến hành rung và vỗ lồng ngực nhằm gây long đờm.
- Cho người bệnh tập thở sâu cũng như ho có hiệu quả mỗi ngày 4 lần, mỗi lần từ 5 đến 10 phút.
Thực hiện đầy đủ các y lệnh về thuốc theo chỉ định của bác sỹ. Quá trình này cần chú ý đến hiện tượng sốc phản vệ, các tác dụng phụ có thể xảy ra như mạch nhanh, buồn nôn, khó chịu, trụy tim mạch hoặc ngừng thở. ngoài ra, nhân viên y tế cũng cần lưu ý tới các tai biến như xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, loãng xương, giảm sức đề kháng. Đây là là những vấn đề hết sức quan trọng trong kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản
Phòng ngừa và phát hiện kịp thời các biến chứng, cần theo dõi sát sao:
- Nhịp thở, phát hiện sớm khó thở và mức độ thở khó.
- Độ tím tái.
- Nhiệt độ, mạch, huyết áp.
- Lượng đờm và màu sắc.
- Hiện tượng phù chi.
Đánh giá
Kết quả chăm sóc mong muốn gồm:
- Người bệnh có thể thở dễ dàng hơn
- Làm sạch và giảm lượng dịch đọng trong đường hô hấp
- Không có biến chứng
- Tình trạng bệnh được cải thiện.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản bạn có thể đọc và tham khảo. Mong rằng các thông tin này sẽ giúp bạn trong việc tiến hành công việc chăm sóc bệnh nhân hợp lý, toàn diện và hiệu quả hơn.