Thuốc Theralene còn được gọi là Alimemazin là một dẫn xuất Phenothiazin được sử dụng như một thuốc chống ngứa. Ngoài ra, loại thuốc này còn chứa nhiều công dụng khác và phù hợp với nhóm đối tượng nhất định. Để hiểu rõ hơn về thuốc Theralene, mời bạn tìm hiểu qua bài viết!
Thuốc Theralene là thuốc gì?
Thuốc Theralene là thuốc có chứa hoạt chất Alimemazin thuộc nhóm Phenothiazine. Hoạt chất alimemazin hoạt động bằng cách ngăn chặn histamin mà cơ thể con người tạo ra trong một phản ứng dị ứng. Tác dụng của thuốc chủ yếu trên da, mạch máu và niêm mạc ở kết mạc, mũi, phế quản và ruột.
Ngoài ra, thuốc Theralene cũng tác động trực tiếp lên não bộ con người để giúp con người thư giãn và điều trị các vấn đề về thần kinh.
Thuốc Theralene là loại thuốc chống dị ứng phổ biến trên thị trường
Tác dụng của thuốc Theralene
Thuốc Theralene có các tác dụng chính như sau:
- Tác dụng an thần ở liều thông thường hoặc chỉ định trong một số trường hợp nhất định do tác động kháng histamin và ức chế adrenaline ở thần kinh trung ương.
- Tác dụng kháng cholinergic gây tác dụng ngoại ý ở ngoại biên.
- Tác dụng ức chế adrenaline ở ngoại biên có thể ảnh hưởng đến động lực máu (có thể gây hạ huyết áp tư thế).
- Các thuốc kháng histamin như theralene có đặc tính chung là đối kháng với tác dụng chủ yếu trên da, mạch máu và niêm mạc ở kết mạc, mũi, phế quản và ruột.
Chỉ định, chống chỉ định dùng thuốc Theralene
Vậy thuốc Theralene phù hợp với ai? Đối tượng nào nằm trong nhóm chỉ định và chống chỉ định của thuốc? Do Theralene là thuốc nhóm kháng histamin nên người dùng cần tuân thủ theo các chỉ định y khoa để đảm bảo mang đến công dụng điều trị tốt.
Chỉ định dùng thuốc Theralene
Thuốc Theralene được chỉ định trong các trường hợp như:
- Dị ứng hô hấp như hắt hơi, viêm mũi, sổ mũi và các bệnh lý ngoài da như ngứa, mày đay
- Điều trị mất ngủ, ngủ không ngon ở cả người lớn và trẻ nhỏ
- Giảm tình trạng ho khan, ho dị ứng đặc biệt vào buổi chiều hoặc đêm
Chống chỉ định thuốc theralene
Những đối tượng sau tuyệt đối không sử dụng hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng Theralene:
- Đối tượng dị ứng với Alimemazin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc Theralene.
- Rối loạn chức năng thận hoặc gan.
- Người mắc bệnh Parkinson, hội chứng ngoại tháp hoặc bệnh động kinh.
- Suy giáp, bệnh nhược cơ, u tủy thượng thận, phì đại tuyến tiền liệt.
- Đã từng mắc bệnh Glaucom góc hẹp.
- Bệnh nhân bị hôn mê hoặc đã dùng một lượng lớn các thuốc an thần thần kinh trung ương.
- Không dùng khi có tình trạng giảm bạch cầu (đã có đợt mất bạch cầu hạt).
- Trẻ em dưới 2 tuổi, trẻ bị mất nước.
Thuốc Theralene có dùng được cho phụ nữ có thai và cho con bú?
Với phụ nữ có thai, có thông báo về nguy cơ gây vàng da cũng như các triệu chứng khác ở trẻ nhỏ với người mẹ đang mang thai dùng thuốc Theralene. Do đó, trong quá trình mang thai, người mẹ nên tránh dùng alimemazin trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Với phụ nữ đang cho con bú, Theralene có thể bài tiết vào sữa mẹ. Vì vậy, không nên dùng thuốc cho mẹ đang cho con bú hoặc cần ngừng cho con bú trong thời gian sử dụng thuốc.
Liều lượng Theralene
- Viên nén: Dành cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.
- Siro: Dành cho người lớn và trẻ em trên 12 tháng, khi dùng nên sử dụng dụng cụ lường có khắc vạch 2,5 ml, 5 ml và 10 ml.
- Cả hai dạng thuốc này đều được dùng theo đường uống với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần tuân thủ đúng.
Cách dùng thuốc Theralene
Chữa mề đay, mẩn ngứa:
- Người lớn: 10 mg x 2 – 3 lần/ngày; tối đa 100 mg/ngày trong những trường hợp khó chữa.
- Người cao tuổi: nên giảm liều 10 mg x 1 – 2 lần/ngày.
- Trẻ em > 2 tuổi: 2,5 – 5 mg x 3 – 4 lần/ngày. Chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Dùng trước khi gây mê:
- Người lớn tiêm 25 – 50 mg (1 – 2 ống tiêm), một lần trước khi phẫu thuật 1 – 2 giờ .
- Trẻ em 2 – 7 tuổi: Uống liều cao nhất là 2 mg/kg thể trọng, một lần trước khi gây mê 1 – 2 giờ.
Dùng với tác dụng kháng histamin, kháng ho:
- Người lớn: Mỗi lần 5-10 mg, tương đương mỗi lần uống 1-2 viên hay 10-20ml siro.
- Trẻ em trên 6 tuổi (khoảng 20kg): 0,125-0,250 mg/kg/lần, tương đương mỗi lần uống 1/2-1 viên.
Nên ưu tiên uống thuốc vào buổi chiều tối do alimemazin có thể gây buồn ngủ.
Tác dụng phụ của thuốc Theralene
Thuốc Theralene có thể gây ra một số tác dụng phụ phổ biến như:
- Mệt mỏi, uể oải, đau nhức đầu, chóng mặt nhẹ
- Khô miệng, đờm đặc
- Bí tiểu, táo bón
- Rối loạn điều tiết mắt
- Tác động lên hệ tạo máu: mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu.
- Hạ huyết áp, tăng nhịp tim
- Viêm gan vàng da do ứ mật
- Xảy ra triệu chứng ngoại tháp, bồn chồn, rối loạn trương lực cơ cấp, bệnh Parkinson, loạn động muộn
- Khô miệng có thể dẫn đến hại răng và men răng.
- Trong một số trường hợp, thuốc theralene có thể dẫn đến ngừng hô hấp thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ.
Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần thăm khám y tế để có phương pháp xử lý và điều trị kịp thời.
Theralene giá bao nhiêu?
Hiện nay, thuốc Theralene được bán tại nhiều nhà thuốc trên toàn quốc với các mức giá khác nhau. Người bệnh cần chú ý mua thuốc ở những địa điểm cung cấp uy tín để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
- Giá tham khảo thuốc chống dị ứng Theralene dạng viên: 24.000 đồng/hộp 40 viên 5mg
- Giá tham khảo thuốc chống dị ứng Theralene dạng siro: 18.000 đồng/chai 90ml
Trên đây là những thông tin về thuốc Theralene – loại thuốc chuyên dùng cho các trường hợp dị ứng, mất ngủ. Người bệnh có thể tham khảo thêm thông tin và cách dùng chuyên khoa theo chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất.