Trẻ bị ho sổ mũi có nên tắm là băn khoăn của không ít bậc làm cha làm mẹ. Bởi vì nếu không cẩn thận trong quá trình vệ sinh thân thể, trẻ rất dễ gặp phải các tình trạng nghiêm trọng hơn như sốt cao, chán ăn, mệt mỏi,… Bạn đọc nếu cũng đang có cùng một mối bận tâm như trên thì hãy cùng bài viết sau đây tìm hiểu các thông tin liên quan nhé!
Trẻ bị ho sổ mũi có nên tắm?
Khi trẻ bị ho sổ mũi, cha mẹ thường băn khoăn không biết có nên tắm hay không. Bởi theo quan niệm dân gian từ ngày xưa, những người bệnh ốm cần tránh tiếp xúc với nước và gió lạnh, nếu không tình trạng sức khỏe có thể diễn biến tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế thì điều này không có cơ sở khoa học. Theo các chuyên gia, trẻ bị ho sổ mũi vẫn có thể tắm như bình thường. Việc vệ sinh sạch sẽ thân thể có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn, vi khuẩn bám lên trên da. Trong trường hợp trẻ có cả triệu chứng sốt, cha mẹ cũng có thể tắm để làm giảm nhiệt độ cơ thể và tránh gây bí da ở bé.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý một số vấn đề sau đây trong quá trình tắm cho trẻ bị ho sổ mũi:
- Nhiệt độ của nước tắm: Khi bị bệnh, cơ thể của trẻ thường nhạy cảm hơn so với bình thường. Đó là lý do mà nước tắm cần có nhiệt độ phù hợp, không quá lạnh hoặc không quá nóng. Các bác sĩ nhi khoa nhận định rằng nước tắm hàng ngày cho trẻ ở nhiệt độ từ 33 độ C đến 35 độ C là tốt nhất.
- Nơi tắm kín gió: Bên cạnh việc chú ý đến nhiệt độ nước, cha mẹ nên chọn chỗ tắm kín gió cho bé. Tuy nhiên, phòng tắm vẫn nên có ô thoáng vừa đủ để thông khí. Nếu phòng tắm quá lạnh, cha mẹ có thể đổ nước ấm xuống sàn để ổn định nhiệt độ, giúp trẻ không bị nhiễm lạnh.
- Thời gian tắm: Trẻ bị ốm nên tắm nhanh chóng, không để trẻ bị ngâm nước quá lâu. Các chuyên gia khuyến nghị cha mẹ nên tắm cho trẻ trong thời gian không quá 7 phút đồng thời nên chọn thời điểm vào buổi sáng (10 giờ đến 10 giờ rưỡi) hoặc buổi chiều (14 giờ đến 15 giờ). Những thời điểm này giúp hạn chế tối đa tình trạng sốc nhiệt ở trẻ.
- Cách tắm phù hợp: Ngoài những yếu tố như nhiệt độ nước, nơi tắm, thời gian tắm, cha mẹ cũng cần phải biết cách tắm phù hợp với trẻ ho, sổ mũi. Cha mẹ nên vệ sinh phần mũi và mặt của trẻ trước, sau đó mới lần lượt tắm cho cơ thể và tay chân. Nếu có thể thì cha mẹ hạn chế gội đầu và tránh để nước rơi vào mắt và tai của trẻ. Sau khi tắm xong, trẻ cần được lau khô người và mặc quần áo ngay.
Trẻ phát ban sau sốt có tắm được không?
Bên cạnh vấn đề “Trẻ bị ho sổ mũi có nên tắm?”, nhiều bậc phụ huynh cũng băn khoăn không biết trẻ phát ban sau sốt có tắm được không. Các bác sĩ cho biết trẻ bị phát ban sau sốt cũng có thể tắm.
Thông thường, tình trạng da nổi mẩn đỏ sau khi sốt do virus lành tính gây ra. Đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất là trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi 6 đến 36 tháng tuổi. Phát ban ít có khả năng gây nguy hiểm đối với sức khỏe của bé và có thể hồi phục sau 3 đến 5 ngày chăm sóc cẩn thận.
Trong thời gian này, cha mẹ nên thường xuyên giúp trẻ vệ sinh thân thể. Điều này giúp mồ hôi không bị tích tụ trên da, từ đó làm giảm tình trạng ngứa ngáy khó chịu ở trẻ. Ngoài ra, tắm cũng cải thiện đáng kể trạng thái tinh thần của trẻ, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, thoải mái, sảng khoái hơn.
Đối với trẻ bị phát ban sau sốt, nước tắm cũng cần đủ ấm và nơi tắm nên tránh có gió lùa. Ngoài ra, cha mẹ nên dùng tay để tắm cho bé thay vì dùng khăn bông, bời vì việc chà xát có thể khiến da bé bị kích ứng. Sau khi tắm xong, trẻ nên được mặc quần áo ngay, cha mẹ chú ý chọn những bộ đồ chất liệu cotton thấm hút mồ hôi và thoáng mát.
Trẻ bị ho nên tắm lá gì?
Ngoài việc uống thuốc, cha mẹ cũng có thể áp dụng thêm một số bài thuốc thảo mộc dân gian cho trẻ. Những bài thuốc này dùng để tắm có tác dụng giảm cảm, hạ sốt, làm ấm cơ thể và cải thiện đáng kể các triệu chứng khó chịu.
Theo đó, trẻ bị ho nên tắm các loại thảo dược sau đây:
- Lá gừng: Lá gừng không chỉ dùng để xông hơi giải cảm mà còn có thể sử dụng để nấu nước tắm cho trẻ. Trong lá gừng có nhiều tinh dầu với đặc tính chống viêm mạnh mẽ, giúp loại bỏ các vi khuẩn bám trên da đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình đào thải độc tố thông qua tuyến mồ hôi hiệu quả.
- Lá trầu không: Lá trầu không cũng là một vị thuốc dân gian được dùng phổ biến khi trẻ bị ốm sốt. Theo các nhà nghiên cứu, trầu không có hàm lượng tinh dầu tự nhiên dồi dào, giúp cải thiện tình trạng cơ thể nhiễm lạnh, giảm ho, giảm sổ mũi và thúc đẩy quá trình hồi phục nhanh chóng.
- Lá ngải cứu: Cha mẹ cũng có thể sử dụng lá ngải cứu để tắm cho trẻ. Lá ngải cứu vị đắng, tính ấm, có khả năng chống viêm và kháng khuẩn mạnh. Không chỉ giúp loại bỏ cảm giác khó chịu do ho, sốt gây ra mà lá ngải cứu còn phòng tránh hiệu quả các bệnh lý ngoài da cho bé.
- Lá tía tô: Nhiều cha mẹ sử dụng lá tía tô nấu nước tắm cho bé bị ho và thu được hiệu quả đáng kinh ngạc. Theo Đông y, lá tía tô tính ấm, vị cay, công dụng chính là trừ phong, tán hàn, giảm ho gió, ho khan, ho có đờm và giải cảm. Có thể nói, tía tô là bài thuốc trị ho sốt đặc biệt hữu hiệu và an toàn cho trẻ nhỏ.
Bài viết hy vọng đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc cho vấn đề “Trẻ bị ho sổ mũi có nên tắm?”. Bên cạnh vấn đề sinh hoạt hàng ngày, cha mẹ nên chú ý đến cả chế độ dinh dưỡng cho bé, ví dụ như ăn nhiều rau xanh, uống đủ nước,… Điều này có thể giúp thúc đẩy cơ thể hồi phục nhanh chóng hơn.