Trẻ bị viêm phế quản là tình trạng tương đối nguy hiểm nhưng lại xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là trong thời điểm thời tiết chuyển mùa. Vậy, dấu hiệu của bệnh là gì? Thông thường bệnh sẽ khỏi trong vòng bao lâu? Chăm sóc trẻ như thế nào mới là đúng cách? Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây.
Dấu hiệu trẻ bị viêm phế quản
Viêm phế quản ở trẻ em là tình trạng các đường ống dẫn bên trong phổi (gọi là phế quản) bị viêm do nhiễm phải một số loại vi khuẩn, virus. Đặc biệt, khi sống trong các môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi hoặc khi trời trở lạnh thì các vi khuẩn, virus này lại càng được dịp phát triển và bùng nổ. Do đó, nhận biết các dấu hiệu trẻ mắc bệnh ngay từ giai đoạn đầu là điều cần thiết để có phương pháp điều trị phù hợp.
Cụ thể, ở giai đoạn mới khởi phát, trẻ thường có những biểu hiện phổ biến như ho khan, sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi và có thể bị sốt nhẹ. Điều này tương đối giống với hiện tượng ho hay bệnh viêm họng thông thường. Vì thế, cha mẹ rất có thể bị nhầm lẫn và dẫn đến chủ quan.
Bước sang khoảng ngày thứ 3, bệnh sẽ phát triển và bộc lộ những triệu chứng rõ ràng hơn. Trẻ lúc này sẽ ho nhiều, kèm theo đờm xanh hoặc đờm vàng. Đồng thời, cơ thể cũng bị sốt cao hơn, có thể rơi vào khoảng 39-40 độ C. Nếu là trường hợp nặng, trẻ sẽ thở khò khè hoặc cảm thấy rất khó thở, thậm chí còn bị nôn ói trong giai đoạn này.
Trẻ bị viêm phế quản có nguy hiểm không?
Trẻ bị viêm phế quản không phải là tình trạng quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể chữa trị khỏi nếu được điều trị kịp thời và đúng cách. Ngay từ những ngày đầu, khi cơ thể bắt đầu những triệu chứng đầu tiên, cha mẹ nên tích cực sử dụng các biện pháp như cho trẻ uống nhiều nước ấm, vệ sinh sạch sẽ tai mũi họng, hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm ấm hay dùng paracetamol,….
Nếu như trẻ có các biểu hiện trầm trọng hơn, cần đưa tới bác sĩ ngay để lên phương án chăm sóc đặc biệt. Nếu không, rất có thể, bệnh sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, hen phế quản, áp xe phổi, hội chứng COPD,….
Trẻ bị viêm phế quản sốt nhiều ngày?
Trẻ bị sốt khi bị viêm phế quản là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu cơn sốt kéo dài nhiều ngày hoặc sốt cao liên tục thì điều này đặc biệt nguy hiểm. Bởi, khi trẻ sốt trên 39 độ C, đặc biệt là không đáp ứng với thuốc hạ sốt thì rất có thể cơ thể sẽ phải đối mặt với tình trạng co giật. Đây là trường hợp cấp cứu, cần đưa tới bác sĩ hoặc cơ sở y tế ngay lập tức.
Bên cạnh đó, khi trẻ xuất hiện tình trạng tím tái, khó thở, nhịp thở nhanh thì cha mẹ cũng nên nhanh chóng đưa trẻ tới bác sĩ. Ở trẻ nhỏ, tình trạng này có thể được bộc lộ qua các biểu hiện như ho kéo dài, ho kèm theo hiện tượng đỏ mặt. Lúc này, trẻ cũng có xu hướng ngủ li bì và bỏ bú, rất khó để có thể đánh thức trẻ tỉnh dậy.
Trẻ bị viêm phế quản bao lâu thì khỏi?
Vậy, trẻ mắc bệnh thường bao lâu thì khỏi? Khoảng thời gian hồi phục này phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng của bé cũng như dạng bệnh mà bé gặp phải. Nếu là dạng cấp tính, bệnh sẽ nhanh chóng được cải thiện trong vòng 1-2 tuần sau khi bé được chăm sóc và điều trị.
Tuy nhiên, những triệu chứng như ho hay thở khò khè vẫn có thể tiếp tục kéo dài từ 1-4 tuần sau khi khỏi bệnh. Ngược lại, nếu là mãn tính, việc hồi phục sẽ trở nên khó khăn hơn do các ống phế quản liên tục bị kích thích. Các triệu chứng của bệnh sẽ lặp lại liên tục và kéo dài hàng tháng, thậm chí là hàng năm. Do đó, đây là dạng viêm phế quản cực kỳ nguy hiểm đối với cả người lớn và trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, thời gian mắc bệnh có thể hồi phục trở lại còn phụ thuốc rất nhiều vào nguyên nhân gây bệnh. Ban đầu, phần lớn các trường hợp bệnh ở trẻ nhỏ thường xảy ra do sự xâm nhập của các loại virus. Vì thế, bệnh thường sẽ tự khỏi sau một vài tuần chữa trị.
Tuy nhiên, trong giai đoạn viêm phế quản ở trẻ này, phổi của trẻ lại rất dễ bị bội nhiễm với các loại vi khuẩn khác, dẫn đến việc phổi bị tổn thương và kéo dài thời gian hồi phục. Đặc biệt, với những trẻ sơ sinh, trẻ sinh non hoặc mắc phải các bệnh lý nền về tim mạch và phổi thì rất dễ gặp phải trường hợp này. Do đó, các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý tới việc chăm sóc, vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh cho bé để tránh việc trẻ bị nhiễm trùng hô hấp.
Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản?
Như vậy, bệnh ở trẻ nhỏ hoàn toàn có thể chữa trị được bằng cách phương pháp tại nhà. Tuy nhiên, chúng cũng có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của bé nếu như không được phát hiện kịp thời và xử trí đúng cách. Để trẻ có thể nhanh chóng hồi phục trở lại, cha mẹ cần ghi nhớ một số lưu ý sau khi chăm sóc bé. Điều này rất cần thiết cho việc cải thiện tình hình sức khỏe của bé, cho dù trẻ bị viêm phế quản cấp tính hay mãn tính.
Cho trẻ uống đủ nước và giữ ấm cho cơ thể
Cho trẻ uống đủ nước và chú ý giữ ấm cho cơ thể vào mùa đông là hai việc cơ bản nhất khi chăm sóc trẻ bị viêm phế quản. Điều này giúp cho cơ thể tránh được nguy cơ mất nước khi bị sốt, đồng thời ngăn chặn các tác nhân bên ngoài gây kích thích thêm cho vòm họng. Tuy nhiên, bạn không nên ép trẻ uống quá nhiều nước trong một lần, mà nên cho trẻ uống từng ngụm nhỏ với nhiều lần trong ngày. Bởi như vậy sẽ tránh được tình trạng nôn ói hoặc bị sặc nước ở trẻ.
Bên cạnh đó, việc cho trẻ uống đủ nước cũng hỗ trợ làm loãng đờm và giúp bé dễ tống đờm ra ngoài dễ dàng hơn. Do đó, khi chăm sóc trẻ, bạn cũng cần chú ý vấn đề vệ sinh răng miệng, mũi và vòm họng cho bé. Hãy sử dụng nước muối sinh lý một cách thường xuyên để cho trẻ súc miệng. Đồng thời, chú ý nhắc nhở bé giữ vệ sinh thân thể, đặc biệt là ở bàn tay, bởi đây là vị trí dễ dàng lây nhiễm nguồn vi khuẩn nhất.
Chú ý môi trường sống xung quanh
Bên cạnh việc giữ ấm và giữ vệ sinh cho cơ thể, bạn cũng cần lưu ý tới môi trường sống xung quanh. Cụ thể, nơi ở của trẻ cần phải đảm bảo thoáng mát, được giữ vệ sinh tốt để tránh việc vi khuẩn và nấm mốc phát triển. Tuy nhiên, bạn cũng không nên giữ không khí trong phòng quá khô, bởi chúng có thể gây kích ứng cho niêm mạc đường hô hấp của trẻ. Trong những ngày thời tiết quá hanh khô, bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy xông tinh dầu để cân bằng lại độ ẩm. Đồng thời, nhiệt độ trong phòng cũng cần được giữ ở mức phù hợp.
Thêm vào đó, bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ thường có xu hướng trở nên nặng hơn khi các bé thường xuyên phải tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích như phấn hoa, khói bụi, thuốc lá,… Vì thế, giữ cho môi trường sống xung quanh trong lành chính là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất khi chăm sóc trẻ mắc bệnh. Đồng thời, trong suốt thời gian bé bị ốm, hãy hạn chế tối đa việc thăm hỏi của những người xung quanh, đặc biệt là những người mắc các bệnh cấp tính hoặc mãn tính về hô hấp để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm các vi khuẩn gây bệnh.
Bổ sung dinh dưỡng thông qua ăn uống
Song song với các biện pháp chăm sóc trên, các bậc cha mẹ cũng nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng hàng ngày, nhằm đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Theo đó, nguyên tắc chung khi chuẩn bị đồ ăn hàng ngày cho trẻ chính là để đồ ăn thật nhạt, bởi thực ăn quá nhiều muối có thể khiến phản ứng viêm thêm gia tăng.
Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bị viêm phế quản thông qua ăn uống. Hãy ưu tiên các thức ăn dạng lỏng, mềm và dễ nuốt như cháo, súp, nước ép trái cây. Đồng thời, chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày để tránh tình trạng trẻ mệt mỏi, chán ăn và nôn ói.
Cụ thể, trong giai đoạn này, bạn nên cho trẻ ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng dễ tiêu hóa như sữa chua, ngũ cốc, sữa, trứng, đậu phụ. Đồng thời, cần bổ sung lượng lớn rau xanh và hoa quả để cung cấp các vitamin thiết yếu cho cơ thể của trẻ, giúp hệ miễn dịch được cải thiện và nâng cao sức đề kháng. Bạn cũng có thể xay nhuyễn chúng thành sinh tố hoặc nước ép cho trẻ uống. Điều này vừa giúp bé dễ tiêu hóa, hấp thụ, vừa bổ sung được lượng nước cần thiết mà cơ thể bị mất đi trong quá trình bị ốm.
Sử dụng một số thuốc không kê đơn
Khi trẻ bị viêm phế quản nhưng không quá nặng, các bậc cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà mà không cần tới bác sĩ. Ví dụ, chườm ấm cho trẻ để giúp bé hạ sốt nhanh hơn, hoặc sử dụng một số loại thuốc không cần kê đơn để cải thiện các triệu chứng. Khi trẻ sốc cao hơn 38,5 độ C, có thể cho bé uống thuốc hạ sốt paracetamol. Cùng với đố, một số loại thuốc ho cũng có thể được sử dụng để cắt cơn ho ở trẻ. Tuy nhiên, dù là loại thuốc nào, bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé sử dụng.
Cần chú ý rằng, biện pháp điều trị tại nhà chỉ được thực hiện khi các triệu chứng còn nhẹ và trẻ sốt không quá 39 độ C. Nếu như các triệu chứng kéo dài hơn 3 tuần và có xu hướng trở nên trầm trọng hơn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được nhận phác đồ điều trị cụ thể. Đặc biệt, khi trẻ sốt quá cao hoặc ho kèm đờm đặc sẫm màu, rất có thể tình trạng viêm phế quản đã kèm thêm bội nhiễm vi khuẩn. Đây là tình trạng hết sức nguy hiểm. Bạn không nên tự ý sử dụng kháng sinh để điều trị, mà cần đưa bé tới bác sĩ ngay để được tư vấn cụ thể.
Trên đây là tổng hợp một số thông tin cơ bản về tình trạng trẻ bị viêm phế quản và cách chăm sóc bé. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã nắm được những kiến thức cơ bản về căn bệnh này. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!