Trượt đốt sống lưng là một trong những bệnh xương khớp thường gặp, mặc dù không đe dọa trực tiếp tới tính mạng, nhưng bệnh gây ra những tác động không nhỏ đến công việc và cuộc sống hàng ngày của con người. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin về căn bệnh trượt đốt sống lưng trong bài viết dưới đây để chủ động có biện pháp phòng tránh.
Trượt đốt sống lưng là gì?
Trượt đốt sống lưng là tình trạng đốt sống trên trượt ra phía sau hoặc phía trước so với đốt sống phía dưới. Hiện tượng này thường gặp nhiều ở người cao tuổi, tuy nhiên bệnh đang có xu hướng trẻ hóa do thói quen làm việc và sinh hoạt chưa khoa học của một số người.
Trượt đốt sống lưng gây ra những cơn đau đớn, khó chịu, xuất phát ở vùng thắt lưng rồi lan xuống hông, hai chân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng di chuyển, vận động bình thường của người bệnh.
Dựa trên nguyên nhân gây bệnh, trượt đốt sống lưng được chia thành 6 loại chính như sau:
- Trượt đốt sống lưng bẩm sinh
- Trượt đốt sống lưng do khuyết eo
- Trượt đốt sống lưng do thoái hóa cột sống
- Trượt đốt sống lưng do bệnh lý
- Trượt đốt sống lưng do chấn thương
- Trượt đốt sống lưng sau phẫu thuật.
Ngoài ra trượt đốt sống còn được chia thành 5 mức độ chính như:
- Độ 1: trượt 0 – 25% so với thân đốt sống
- Độ 2: trượt 26 – 50% so với thân đốt sống
- Độ 3: trượt 51 – 75% so với thân đốt sống
- Độ 4: trượt 76 – 100% so với thân đốt sống
- Độ 5: trượt hoàn toàn, đốt trên và đốt dưới không có liên kết với nhau
Triệu chứng trượt đốt sống thắt lưng
Trong thời gian đầu, trượt đốt sống lưng không có biểu hiện cụ thể, người bệnh chỉ gặp những cơn đau thoáng qua. Sau đó, tùy vào từng giai đoạn mà bệnh sẽ có những triệu chứng cụ thể:
- Giai đoạn tiếp theo: Đau thắt lưng, đây là triệu chứng chính của trượt đốt sống thắt lưng, thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Lúc này, người bệnh cảm thấy đau lưng nhiều, đau khi đi lại, đứng lâu, cúi ngửa cột sống. Các cơn đau có xu hướng lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân, kèm tê bàn chân, đau tăng lên khi ho, hắt hơi… Tình trạng đau giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. Người bệnh thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng lên khó khăn, khu cúi, ngửa, một số người còn tự cảm nhận được sự trượt của đốt sống.
- Ở giai đoạn nặng, người bệnh trượt đốt sống lưng có thể thay đổi tư thế và dáng đi, co cứng cơ ở thắt lưng và sự căng cơ ở mặt trong đùi, đi hơi khom lưng, thậm chí có thể bị vẹo cột sống sang bên. Tần suất các cơn đau ngày càng gia tăng. Để giảm triệu chứng và giúp di chuyển dễ hơn, nhiều người phải nhờ đến phương pháp sử dụng áo nẹp cột sống.
- Trong trường hợp khám ở tư thế đứng, người bệnh có xu hướng ưỡn hết mức giúp giảm những cơn đau khá hiệu quả. Ngoài những cơn đau, có thể bạn sẽ gặp phải các biểu hiện như tê bì, căng đau hai chân.
Khi phát hiện một trong những dấu hiệu kể trên, người bệnh cần liên hệ ngay bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám chính xác và điều trị kịp thời.
Trượt đốt sống lưng có nguy hiểm không?
Các chuyên gia xương khớp hàng đầu cho biết, mức độ nguy hiểm của trượt đốt sống lưng còn phụ thuộc vào từng cấp độ của bệnh. Ở cấp độ đầu, tỷ lệ trượt dưới 25% nếu được phát hiện và điều trị phù hợp khả năng phục hồi khá cao và hầu như không hề gây ra bất kỳ một tác động nào đến sức khỏe. Tuy nhiên, ở những mức độ nặng hơn trượt đốt sống thắt lưng có thể gây đau đớn dữ dội và làm hạn chế hoạt động của người bệnh. Ngoài ra, trượt đốt sống cũng có thể gây tổn thương cột sống vĩnh viễn, dẫn đến yêu, tê và liệt chân nếu dây thần kinh bị tổn thương.
Bên cạnh đó, mặc dù hiếm khi xảy ra, tuy nhiên trượt đốt sống lưng có thể dẫn đến thoái hóa xương chậu. Đây là tình trạng đốt sống L5 trượt khỏi xương cùng và đi vào xương chậu. Bởi vậy, nếu nhận thấy các triệu chứng của trượt đốt sống lưng, người bệnh nên đến các cơ sở chuyên môn càng sớm càng tốt.
Điều trị trượt đốt sống lưng
Tùy vào từng mức độ và cơ địa của người bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định tương ứng. Một số giải pháp điều trị trượt đốt sống lưng thường dùng gồm:
Phương pháp điều trị không xâm lấn:
- Thuốc giảm đau: được khá nhiều người lựa chọn nhằm làm thuyên giảm nhanh chóng các cơn đau do trượt đốt sống gây ra. Các loại thuốc giảm đau thường dùng gồm: acetaminophen hoặc NSAID (như ibuprofen, chất ức chế COX-2) hoặc steroid đường uống. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý sử dụng mà cần tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định được đưa ra của bác sĩ.
- Chườm nóng và chườm lạnh: khi xuất hiện các cơn đau lưng khó chịu, bạn hoàn toàn có thể sử dụng đá để chườm, biện pháp này có khả năng giảm đau khá hiệu quả. Ngoài ra, chườm nóng có thể được áp dụng để giãn cơ, thúc đẩy lưu lượng máu và hỗ trợ điều trị các triệu chứng trượt đốt sống.
- Vật lý trị liệu: một trong những phương pháp điều trị không xâm lấn được lựa chọn đó chính là vật lý trị liệu. Bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh các bài tập kéo giãn cơ, bắt đầu bằng việc kéo căng gân kheo và tiến triển theo thời gian. Người bệnh cần kéo căng cơ gân kheo 2 lần mỗi ngày để giảm bớt căng thẳng ở vùng thắt lưng. Để đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần đến các cơ sở chuyên môn có kỹ thuật.
- Tiêm steroid ngoài màng cứng: trong trường hợp trượt cột sống thắt lưng gây đau dữ dội, bác sĩ có thể đề nghị tiêm steroid ngoài màng cứng. Tiêm thuốc có thể giúp giảm viêm trong khu vực và ngăn ngừa cơn đau ở thắt lưng, tuy nhiên việc lạm dụng thuốc này rất dễ dẫn đến nguy cơ giòn xương.
Phẫu thuật
Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không phát huy tác dụng, bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh tiến hành phẫu thuật.
Loại phẫu thuật phổ biến nhất là hợp nhất cột sống thắt lưng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ một phần xương và đĩa đệm khỏi cột sống, sau đó kết hợp hai đốt sống liền kề lại với nhau. Thủ thuật này có thể tăng không gian bên trong ống sống, giải nén các dây thần kinh bị chèn ép và hỗ trợ giảm đau.
>> Tìm hiểu: Cấu Tạo Cột Sống Con Người Và Chức Năng Của Cột Sống
Sau khi phẫu thuật hợp nhất hai đốt sống, trong thời gian đầu chuyển động của cột sống có thể bị hạn chế. Bởi vậy, người bệnh cần có chế độ vận động, nghỉ ngơi phù hợp để quá trình phục hồi được nhanh nhất. Ngoài ra, bạn cũng cần tái khám thường xuyên theo lịch hẹn để kiểm tra vị trí phẫu thuật.
Trên đây là những thông tin về bệnh trượt đốt sống lưng, hy vọng đã giúp quý độc giả có thêm nhiều kiến thức hữu ích. Trượt đốt sống lưng khi được phát hiện và điều trị sớm, khả năng phục hồi của người bệnh rất cao. Bởi vậy, khi thấy các triệu chứng của bệnh, bạn cần liên hệ với bác sĩ để đặt lịch khám sớm. Chúc các bạn sức khỏe!