Viêm phế quản phổi là một bệnh lý có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng bệnh để chữa trị đúng cách là rất quan trọng.
Viêm phế quản phổi là gì?
Phế quản là một trong những cơ quan hô hấp của con người bao gồm nhiều nhánh được ví như ống dẫn khí vào phổi. Viêm phế quản phổi là tình trạng cả phế quản và phế nang bên trong phổi bị viêm nhiễm. Bệnh lý này ảnh hưởng đến hô hấp cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Viêm phế quản phổi có hai dạng cấp tính và mãn tính. Với dạng cấp tính, bệnh thường xảy ra vào một thời điểm hoặc mùa trong năm và không khó để kiểm soát. Tuy nhiên, nếu người bệnh không chú ý có thể khiến tình trạng này diễn tiến nhanh dẫn đến dạng mãn tính khó khăn trong điều trị dứt điểm.
Viêm phế quản phổi khá phổ biến ở trẻ em và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do nhiễm trùng ở trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, viêm phế quản phổi là bệnh lý không nên xem thường.
Triệu chứng viêm phế quản phổi
Các triệu chứng viêm phế quản phổi có thể rõ ràng ngay hoặc khởi phát từ từ. Thông thường những triệu chứng này có thể chia làm hai giai đoạn chính:
Triệu chứng giai đoạn bệnh khởi phát
Người bị bệnh viêm phế quản phổi xuất hiện các triệu chứng như ngạt mũi, hắt hơi, ho khan và sốt nhẹ. Các triệu chứng khởi phát của bệnh này được xem là giai đoạn ủ bệnh thường khá giống với viêm đường hô hấp, cảm cúm, viêm phế quản nên khiến người bệnh chủ quan. Dần dần, bệnh không điều trị đúng cách dẫn đến giai đoạn toàn phát.
Triệu chứng giai đoạn toàn phát
Những bệnh nhân bị viêm phế quản phổi giai đoạn khởi phát không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến giai đoạn toàn phát. Lúc này, người bệnh xuất hiện nhiều hơn các triệu chứng toàn thân như: ho dữ dội, sốt cao, chảy mũi, co giật… thậm chí hôn mê.
Ở trẻ em mắc viêm phế quản phổi thường có các triệu chứng như: bỏ ăn, rối loạn tiêu hóa, nôn trớ, tiêu chảy… Giai đoạn toàn phát ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, do đó người bệnh cần có các phương pháp xử lý cũng như điều trị kịp thời.
Nguyên nhân viêm phế quản phổi
Bệnh viêm phế quản phổi hình thành do sự xâm nhập của vi khuẩn và virus chẳng hạn như Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae loại B (Hib), Escherichia coli, Pseudomonas… Các loại vi khuẩn, virus này xâm nhập vào phế nang, phế quản và phát triển. Lúc này, hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với các virus, vi khuẩn này dẫn đến viêm.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc viêm phế quản phổi ở một người là:
- Dị ứng thời tiết
Viêm phế quản phổi là bệnh thường xuất hiện vào mùa lạnh, khi mà thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm thấp. Lúc này, những người dị ứng thời tiết sẽ khiến hệ miễn dịch yếu hơn tạo điều kiện để virus và vi khuẩn cũng dễ dàng tấn công hơn.
- Tính chất công việc
Những người thường xuyên làm việc trong các môi trường như khói bụi, ô nhiễm, nơi có hóa chất nồng độ cao hoặc các tác nhân dị ứng khác thường có nguy cơ mắc viêm phế quản phổi cao hơn bình thường.
Đối tượng nguy cơ cao
- Trẻ em dưới 2 tuổi hoặc người già trên 65 tuổi
- Người thường xuyên hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích quá mức.
- Mới phẫu thuật hoặc gặp các chấn thương gần đây.
- Tiền sử nhiễm trùng đường hô hấp chẳng hạn như cảm lạnh và cúm
- Bệnh phổi mạn tính, giãn phế quản và hen suyễn
- Mắc các bệnh nền như bệnh tiểu đường, suy tim, bệnh gan
- Mắc bệnh HIV hoặc một số bệnh tự miễn dịch.
- Dùng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch như thuốc hóa trị, đang trong quá trình xạ trị, thuốc chống thải ghép hoặc sử dụng steroid lâu dài
Viêm phế quản phổi có nguy hiểm không?
Viêm phế quản phổi là bệnh lý không nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn bệnh khởi phát. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan khiến bệnh diễn tiến nặng sẽ dẫn đến các biến chứng khó điều trị như:
- Bệnh viêm phổi: Viêm phế quản phổi lâu ngày dẫn đến ảnh hưởng phổi gây nên viêm phổi.
- Bệnh hen phế quản: Viêm phế quản phổi kéo dài có thể dẫn đến tình trạng hen phế quản khiến người bệnh khó khăn khi thở.
- Các bệnh lý tim mạch: Viêm phế quản phổi gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp và lây sang các bộ phận khác như tim mạch.
Cách chữa viêm phế quản phổi
Chữa viêm phế quản phổi tùy thuộc vào loại vi khuẩn, virus và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thông thường, nếu bệnh khởi phát nhẹ sẽ được kê đơn các loại thuốc điều trị. Với những người bệnh kéo dài cần theo dõi và thực hiện theo các chỉ định y khoa.
Điều trị viêm phế quản phổi do vi khuẩn
Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn có hại trong phổi. Khi dùng thuốc kháng sinh, bạn cần lưu ý phải cẩn thận làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và hoàn thành hết lượng thuốc được chỉ định.
Điều trị viêm phế quản phổi do virus và nấm
Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với tình trạng nhiễm virus. Do đó, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus hoặc thuốc điều trị triệu chứng. Chứng bệnh do virus thường sẽ hết sau 1 – 3 tuần.
Viêm phế quản phổi do nấm: Bác sĩ có thể kê toa thuốc chống nấm kết hợp cùng chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Nhìn chung, viêm phế quản phổi là một bệnh lý không nên xem thường. Do đó, nếu có các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên thăm khám để có phương pháp xử lý và điều trị kịp thời.