Viêm phổi kẽ là bệnh lý liên quan đến phổi xảy ra với tỷ lệ không cao nhưng lại có thể kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời bệnh nhân có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy hô hấp và đe dọa đến tính mạng. Vậy, chứng bệnh này là gì? Có chữa được không và tiên lượng sống nếu mắc bệnh là bao lâu? Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Viêm phổi kẽ là gì?
Viêm phổi kẽ hay bệnh phổi kẽ là chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp diễn ra khi những kẽ tổn thương xuất hiện ở hai bên phổi. Phạm vi thương tổn không đồng nhất, tùy vào vị trí tổn thương mà các triệu chứng sẽ khác nhau. Bệnh có thể tiến triển thành nhiều chứng bệnh nghiêm trọng khác như viêm phổi, u xơ phổi, thậm chí ung thư phổi.
Khi mắc bệnh, tế bào xung quanh các phế nang dần dần dày lên, hình thành các mô sẹo làm cản trở việc vận chuyển oxy vào trong máu, điều này dẫn đến hiện tượng tắc đường thở, khó thở và dẫn tới suy hô hấp.
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO, số người mắc viêm phổi kẽ trên toàn thế giới chiếm khoảng 8%. Đây là tỷ lệ đáng báo động nhắc nhở chúng ta không được chủ quan và phải có ý thức tự chăm sóc sức khỏe và ngăn ngừa bệnh.
Bệnh lý này thường gặp ở bệnh nhân lao phổi, người nhiễm HIV/AIDS,… Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra do một số yếu tố khác bao gồm:
- Lạm dung rượu bia, đồ uống có hại, chất kích thích
- Làm việc thường xuyên ở môi trường ô nhiễm, hóa chất, khói bụi, các khu công nghiệp,…
- Mắc các bệnh mạn tính liên quan tới xương khớp, xơ cứng bì, viêm khớp, trào ngược dạ dày, lupus ban đỏ,…
- Sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh trong chữa trị bệnh tim, loạn nhịp tim, các thuốc điều trị bệnh tâm thần,…
Ngoài ra, khoảng 10% người bệnh không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Trường hợp này gọi là viêm phổi kẽ tự phát và thường gặp ở nhóm người từ tuổi trung niên trở lên.
Để phát hiện bệnh sớm và có phương án chữa trị kịp thời, bạn có thể nhận biết bệnh qua các dấu hiệu sau:
- Sút cân, chán ăn, cơ thể mệt mỏi
- Bệnh viêm phổi kẽ có những dấu hiệu như khó thở, lúc đầu chỉ hơi khó thở, sau đó tiến triển nặng hơn, bệnh nhân phải gắng sức để thở. Một thời gian sau, người bệnh thấy khó thở cả khi nói chuyện, ăn uống, hít thở,…
- Ho khan, khi ho nhiều hoặc gắng sức ho có cảm giác đau rát tại vùng ngực
- Sốt, da nhạy cảm với ánh sáng hơn
- Triệu chứng toàn thân: Đau nhức xương khớp, đau cơ, khô mắt, khô miệng.
Bệnh viêm phổi kẽ có chữa được không?
Viêm phổi kẽ là một trong các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến phổi. Nếu không can thiệp kịp thời, đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng phức tạp. Tuy nhiên bạn cũng không cần quá lo lắng vì bệnh lý này có thể được chữa khỏi nếu phát hiện kịp thời và tuân thủ đúng phác đồ điều trị.
Thông thường, các thương tổn tại kẽ phổi sẽ hồi phục dần sau 3 đến 12 tuần. Trong thời gian đó, bệnh nhân cần có chế độ ăn khoa học, hợp lý, thực hiện sinh hoạt lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và nhanh chóng quay về cuộc sống thường nhật.
Hiện nay, viêm phổi kẽ thường được chữa trị theo hai nguyên tắc là chữa trị triệu chứng và chữa trị nguyên nhân.
Để giải quyết nguyên nhân gây bệnh, bệnh nhân cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
- Chữa trị dứt điểm nếu đang mắc đồng thời các bệnh lý khác, đặc biệt là các bệnh rối loạn tự miễn, bệnh mạn tính như lupus ban đỏ, viêm khớp,…
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những yếu tố có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn như khói thuốc, bụi bẩn, nấm, vi khuẩn, tia bức xạ, hóa chất,…
- Chỉ dùng những loại thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh theo chỉ định từ bác sỹ. Tuyệt đối không tự ý thay đổi loại thuốc, liều thuốc trong bất kì trường hợp nào.
- Khám sức khỏe định kì nhằm phát hiện sớm bệnh lý và có kế hoạch chữa trị kịp thời.
Còn với phương pháp chữa trị triệu chứng, sau khi thăm khám và xác định tình trạng bệnh, bệnh nhân có thể được chỉ định một trong các phương pháp điều trị sau:
- Sử dụng thuốc điều trị viêm phổi kẽ: Áp dụng cho các bệnh nhân mới mắc bệnh và bệnh còn ở giai đoạn nhẹ. Thuốc Corticosteroid có thể được chỉ định để làm giảm triệu chứng. Có thể kết hợp với Acetylcystein nhằm ức chế các mô sẹo phát triển. Tuy nhiên, những thuốc trên chỉ được dùng trong thời gian ngắn. Trường hợp các mô sẹo đã hình thành ở nang phổi thì việc dùng thuốc chỉ có tác dụng cải thiện hoạt động của phổi chứ không thể giúp tế bào phổi hồi phục hoàn toàn.
- Điều trị bằng liệu pháp oxy: Biện pháp này được tiến hành để giúp bệnh nhân thở dễ hơn và hạn chế các biến chứng nặng nề do sụt giảm nồng độ oxy trong máu. Tuy nhiên, liệu pháp oxy không thể ngăn ngừa được các thương tổn lây lan tới phổi.
- Cấy ghép phổi: Được tiến hành với trường hợp bệnh ở mức nặng hoặc đã điều trị bằng các biện pháp khác nhưng không đem lại tác dụng. Kỹ thuật cấy ghép phổi khá phức tạp, yêu cầu người tiến hành phải có tay nghề vững và trình độ chuyên môn cao. Bên cạnh đó, không phải trường hợp ghép phổi nào cũng thành công vì vậy biện pháp này chỉ được tiến hành nếu thật sự cần thiết.
Viêm phổi kẽ sống được mấy năm?
Cho tới nay, việc xác định tiên lượng sống của bệnh nhân vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, với trường hợp đã áp dụng các biện pháp điều trị mà bệnh vẫn tiến triển thành xơ phổi và kèm theo suy hô hấp, 60% bệnh nhân sẽ sống thêm được từ 5 đến 50 năm. Bên cạnh đó, khoảng 5% bệnh nhân xơ hóa phổi phát triển thành u ác tính dẫn đến tử vong khi mắc bệnh.
Trên đây là các thông tin liên quan đến bệnh viêm phổi kẽ mà chúng tôi muốn gửi đến độc giả. Mong rằng những thông tin trong bài viết đã mang lại những kiến thức cần thiết cho bạn, từ đó giúp bạn bảo vệ sức khỏe của mình tốt hơn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết.