Đau thần kinh tọa là bệnh lý về xương khớp thường gây cho người bệnh cảm giác đau đớn và khó chịu. Việc nắm rõ những đặc điểm của bệnh lý này là điều vô cùng quan trọng để giúp mỗi người có thể chủ động trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh.
Đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh tọa hay còn được gọi là chứng đau thần kinh hông. Đặc trưng của căn bệnh này đó là xuất hiện những cơn đau dọc theo đường đi của hệ thống các dây thần kinh tọa. Bên cạnh đó, cơn đau còn lan tỏa từ vùng cột sống thắt lưng đến bề mặt bên ngoài của đùi, bề mặt của mắt cá chân, mặt trước cẳng chân và những ngón chân.
Về bản chất, các cơn đau thần kinh tọa là do sự chấn thương của các dây thần kinh hoặc do sự chèn ép của hệ thống các dây thần kinh ở phần lưng dưới. Theo đó, các cơn đau có thể sẽ ở mức độ nhẹ hoặc nặng và thường xuất hiện tại bất cứ vị trí nào theo đường đi của các dây thần kinh tọa. Theo đó, những cơn đau thường bắt nguồn từ vùng lưng dưới kéo xuống hông và mông rồi lan xuống chân. Bên cạnh đó, các cơn đau có thể gây sự yếu cơ ở bàn chân và chân. Từ đó sẽ gây ra cảm giác ngứa ran, châm chích và khó chịu tại ngón chân, bàn chân.
Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Chứng đau thần kinh tọa có thể là hệ quả của những bệnh lý sau:
1. Thoát vị đĩa đệm
Có thể nói rằng, thoát vị đĩa đệm chính là nguyên nhân chính gây ra những cơn đau thần kinh tọa. Trong đó điển hình nhất là thoát vị đĩa đệm tại các đốt L4 – L5 hoặc L5 – S1.
Khi phải gánh chịu những áp lực tại vùng cột sống, phần trung tâm đĩa đệm sẽ bị phình và dẫn đến hiện tượng bị thoát vị. Một khi đĩa đệm bị thoát vị tại một đốt sống sẽ gây ra sự chèn ép lên các dây thần kinh tọa và gây ra những cơn đau.
2. Hẹp ống sống
Khi các ống sống lưng dưới bị thu hẹp một cách bất thường sẽ dẫn đến tình trạng hẹp ống sống. Điều này sẽ khiến cho tủy sống và rễ dây thần kinh tọa phải gánh chịu những áp lực, từ đó sẽ gây ra triệu chứng đau nhức.
3. Thoái hóa đốt sống
Tình trạng thoái hóa đốt sống thường xảy ra khi mô đốt sống bị trượt và khiến cho phần đốt sống bị chệch ra bên ngoài. Đây là nguyên nhân khiến cho lỗ mở ở vị trí dẫn thần kinh bị thu hẹp. Từ đó sẽ gây ra sự chèn ép lên các dây thần kinh tọa và gây ra các cơn đau.
4. Hội chứng cơ hình lê
Cơ hình lê chính là phần cơ nối giữa phần dưới của vùng cột sống xuống xương đùi. Một khi cơ này bị co thắt sẽ gây ra sự chèn ép lên dây thần kinh tọa và dẫn đến những cơn đau. Theo đó, hội chứng này thường có dấu hiệu trở nên nghiêm trọng hơn bệnh nhân bị ngã, ngồi quá lâu hoặc bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
5. Các nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân do các bệnh lý về xương khớp thì đau thần kinh tọa cũng có thể là hệ quả của các vấn đề sau:
- Chấn thương tại các dây thần kinh tọa hoặc chấn thương tại vùng cột sống thắt lưng.
- Xuất hiện khối u ở vùng ống sống thắt lưng và gây ra sự chèn ép lên dây thần kinh tọa.
- Hội chứng chùm đuôi ngựa gây đau nhức và tê tại xung quanh khu vực hậu môn.
- Một số nguyên nhân khác: Thân đốt sống bị tổn thương, viêm đĩa đệm đốt sống, mang thai…
Các yếu tố nguy cơ gây đau thần kinh tọa
Ngoài những nguyên nhân cơ bản thì các yếu tố gây ra chứng đau thần kinh tọa phải kể đến như:
- Do người bệnh từng bị chấn thương tại vùng cột sống và lưng dưới.
- Sự lão hóa của cơ thể nói chung và hệ thống xương khớp nói chung.
- Cơ thể bị béo phì, thừa cân.
- Do người bệnh thường xuyên làm những công việc nặng nhọc, gây áp lực lên vùng cột sống.
- Bệnh lý tiểu đường gây tổn thương và gây đau dây thần kinh tọa.
- Bệnh về viêm xương khớp.
- Thói quen lười vận động, ít tập luyện thể dục thể thao.
- Hút thuốc lá, sử dụng nhiều đồ uống chứa cồn.
Dấu hiệu và triệu chứng đau thần kinh tọa
Những dấu hiệu và triệu chứng cho biết bạn đã mắc chứng đau thần kinh tọa đó là:
- Xuất hiện các cơn đau kéo dài từ hông và cột sống thắt lưng xuống mặt ngoài bắp chân và đùi.
- Tần suất các cơn đau có thể diễn ra liên tục hoặc bất ngờ. Đặc biệt, cơn đau thường xảy ra nghiêm trọng hơn như người bệnh thực hiện các động tác như xoay người, vặn người, hắt hơi, ho…
- Yếu và tê tại mông, lưng dưới và bàn chân.
- Tần suất cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn mỗi khi cử động.
- Bàn chân, ngón chân có cảm giác châm chích.
- Bàng quang và ruột mất kiểm soát.
Đau thần kinh tọa có nguy hiểm không?
Chứng đau thần kinh tọa nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng bị tổn thương hệ thần kinh vĩnh viễn. Chính vì vậy, nếu nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu sau, bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị:
- Đau dữ dội tại bụng, chân, lưng hoặc một bên của cơ thể.
- Bị sưng tại bất cứ vị trí nào của chân, đùi hoặc lưng dưới.
- Chân và đùi có cảm giác bị run.
- Bị mất cảm giác ở chân, bẹn hoặc bộ phận sinh dục.
- Cơ thể bị ớn lạnh, sốt và đổ mồ hôi, nhất là ban đêm.
- Vùng chân bị ngứa ngáy.
- Chán ăn, sút cân.
- Tóc hoặc da có sự thay đổi, điển hình như tóc bị rụng với số lượng lớn.
- Trong một số trường hợp, người bệnh còn bị mất chức năng ở vùng lưng dưới hoặc chân.
Chẩn đoán đau thần kinh tọa
Để chẩn đoán chứng đau thần kinh tọa, bệnh nhân có thể được yêu cầu đi bộ để có thể xác định được cách thức mà cột sống hoạt động. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân nâng cao chân để xác định rằng những dây thần kinh bị ảnh hưởng có mối liên quan tới đĩa đệm hay không. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được yêu cầu thực hiện những động tác chuyển động nhẹ hoặc kéo giãn để tăng cường sức mạnh của cơ.
Bên cạnh đó, tùy vào chẩn đoán lâm sàng, bệnh nhân sẽ được thực hiện các xét nghiệm như:
- Chụp X – quang cột sống: Mục đích của việc chụp X – Quang đó là giúp nhận biết các dấu hiệu gãy xương sống và tìm thấy được các vấn đề như nhiễm trùng, gai xương, khối u…
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Có tác dụng kiểm tra được hình ảnh chi tiết của các mô mềm ở lưng và xương. Phương pháp này giúp bác sĩ biết được khớp nào đang chèn ép lên dây thần kinh nào và đánh giá được mức độ của căn bệnh đau thần kinh tọa.
- Điện cơ/ nghiên cứu vận tốc dẫn truyền thần kinh: Mục đích của xét nghiệm đó là kiểm tra được mức độ truyền xung điện thông qua dây thần kinh tọa và các phản ứng của các cơ.
- Chụp tủy đồ: Có tác dụng xác định những cơn đau thần kinh tọa có liên quan đến đĩa đệm hoặc đốt sống hay không.
Điều trị đau thần kinh tọa
1. Điều trị nội khoa
Điều trị y tế với thuốc
- Thuốc giảm đau:
- Paracetamol: Người bệnh sử dụng thuốc Paracetamol từ 1 đến 3g mỗi ngày và chia làm 2 đến 4 lần uống. Nếu tình trạng bệnh lý ở mức độ nặng, bạn có thể kết hợp sử dụng paracetamol với thuốc giảm đau opioid ở dạng nhẹ như Tramadol hoặc Codein theo liều lượng từ 2 đến 4 viên mỗi ngày.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Điển hình cho nhóm thuốc này chính là naproxen (mỗi ngày sử dụng 500 mg x 2 lần), celecoxib (mỗi ngày dùng 200 mg), ibuprofen ( mỗi ngày dùng 400mg x 3 – 4 lần), piroxicam ( mỗi ngày sử dụng 20 mg). Khi sử dụng nhóm thuốc này, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến hoạt động của thận, tim mạch, hệ tiêu hóa. Do đó, bạn nên cân nhắc sử dụng thuốc với những thuốc bảo vệ dạ dày, điển hình như thuốc ức chế bơm proton.
- Khi cơn đau trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân có thể sử dụng những chế phẩm của loại thuốc giảm đau gây nghiện như morphine.
– Thuốc giãn cơ:
- Sử dụng thuốc Tolperisone mỗi ngày 3 lần với liều lượng từ 100 – 150 mg.
- Sử dụng thuốc Eperisone với liều lượng 2 đến 3 lần mỗi ngày, mỗi lần dùng 50mg.
- Một số loại thuốc khác:
- Pregabalin: Bệnh nhân sử dụng với liều lượng từ 150 đến 300mg mỗi ngày. Liều ban đầu sử dụng là 75mg trong tuần đầu tiên dùng thuốc.
- Gabapentin: Mỗi ngày người bệnh sử dụng từ 600 đến 1200 mg. Liều dùng ban đầu là 300mg/ngày trong tuần sử dụng đầu tiên.
- Một số loại thuốc bổ sung khác: Điển hình như vitamin nhóm B hoặc Mecobalamin.
Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng:
Liệu pháp tiêm corticosteroid ngoài màng cứng thường được sử dụng nhằm làm giảm những cơn đau do thần kinh tọa gây ra.
2. Vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu có tác dụng phục hồi chức năng và ngăn ngừa những chấn thương liên quan đến hệ xương khớp. Bên cạnh đó, phương pháp này còn đem đến tác dụng:
- Tăng cường chức năng các cơ ở bụng, lưng dưới, hông và mông.
- Tăng cường sự linh hoạt cho các gân và cơ.
- Giúp cho quá trình trao đổi chất diễn ra tốt hơn.
Một số bài tập vật lý trị liệu phổ biến dành cho bệnh nhân bị đau thần kinh tọa phải kể đến như:
- Massage trị liệu.
- Thực hiện các bài tập xà đơn, kéo giãn cột sống, bơi lội…
- Sử dụng các loại thiết bị hỗ trợ như đai lưng để tránh gây sự áp lực lên vùng đĩa đệm cột sống.
3. Thủ thuật xâm lấn tối thiểu
Bệnh nhân nên thực hiện các thủ thuật xâm lấn tối thiểu nếu như tình trạng bệnh lý không có sự thay đổi rõ rệt khi điều trị nội khoa. Trong đó điển hình nhất là phương pháp sử dụng sóng cao tần để loại bỏ vùng trung tâm ở đĩa đệm và làm giảm sự áp lực lên các dây thần kinh và đĩa đệm.
4. Điều trị ngoại khoa
Bệnh nhân bị đau thần kinh tọa thường được chỉ định điều trị ngoại khoa nếu như dây thần kinh gây ra sự chèn ép nghiêm trọng hoặc các phương pháp điều trị nội khoa bị thất bại.
Tùy thuộc vào tình trạng của các khối u, mức độ thoát vị gây chèn ép lên những dây thần kinh và phương pháp trị bệnh ngoại khoa sẽ được chỉ định nếu như triệu chứng bệnh lý không có dấu hiệu thuyên giảm sau 3 tháng điều trị.
Theo đó, những phương pháp điều trị ngoại khoa gồm có:
- Phẫu thuật để lấy nhân đĩa đệm: Để thực hiện phẫu thuật này, bác sĩ sẽ lấy một phần nhỏ của nhân đĩa đệm đã bị thoát vị và khiến cho các dây thần kinh bị chèn ép. Thông thường, phẫu thuật thường được áp dụng sau 3 tháng điều trị nội khoa không mang đến hiệu quả.
- Phẫu thuật để cắt cung sau đốt sống: Phương pháp này có tác dụng cải thiện những triệu chứng đau nhức do hẹp ống sống gây đau thần kinh tọa. Tuy vậy, phương pháp phẫu thuật lại có thể khiến cho cột sống mất đi tính ổn định và bệnh rất dễ bị tái phát trở lại.
- Cố định cột sống bằng nẹp vít hoặc làm cứng những đốt sống khi đốt sống bị trượt gây sự chèn ép lên các dây thần kinh.
5. Theo dõi sau khi điều trị
Sau khi thực hiện các biện pháp để điều trị đau thần kinh tọa, người bệnh sẽ được theo dõi các vấn đề như:
- Rối loạn sự vận động tại các chi dưới.
- Rối loạn các cơ tròn.
- Rối loạn cảm giác ở những chi dưới.
Phòng ngừa đau thần kinh tọa
Để phòng ngừa chứng đau thần kinh tọa, bạn cần thực hiện các phương pháp sau:
- Duy trì tư thế tốt khi ngủ và làm việc để ngăn ngừa những cơn đau thần kinh tọa.
- Giữ cân nặng ở mức hợp lý, hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì.
- Không hút thuốc lá và nên tránh xa khói thuốc lá để tránh nguy cơ khiến cho cột sống bị suy yếu và dẫn đến những cơn đau thần kinh tọa.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao một cách đều đặn để tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt cho các khớp.
- Lựa chọn những bài tập ít gây ra sự thương tổn ở lưng. Thay vào đó, bạn nên tập luyện các môn thể thao như yoga, bơi lội, đi bộ hoặc các bài tập thái cực quyền.
- Tránh té ngã hoặc hạn chế những chấn thương có thể xảy ra.
Trên đây là những vấn đề liên quan đến chứng đau thần kinh tọa. Để hạn chế biến chứng nguy hiểm của bệnh lý, bạn nên chủ động thăm khám và điều trị bệnh một cách kịp thời nhé.