Viêm họng là bệnh lý hô hấp phổ biến ở mọi lứa tuổi. Bệnh có triệu chứng ra sao và cách chữa nào hiệu quả nhất. Tìm hiểu cụ thể trong nội dung thông tin dưới đây!
Viêm họng là gì?
PGS – Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa (nguyên giảng viên Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, viêm họng là một thuật Y học dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở vùng cổ họng. Cụ thể, vùng hầu và cổ họng của người bệnh sẽ xuất hiện các vết sưng đỏ, thậm chí là có mủ khi bệnh đã trở nặng.
Đây là bệnh lý về hô hấp phổ biến mà bạn sẽ gặp phải ít nhất một lần trong đời. Người mắc bệnh thường sẽ cảm thấy vùng cổ họng khó chịu, đau rát. Nhiều trường hợp bệnh nhân có biểu hiện ốm sốt, mệt mỏi.
Viêm họng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đa số người trưởng thành và người khỏe mạnh nếu bị bệnh thường chỉ bị đau rát ở vùng cổ họng. Bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần với nhóm đối tượng này.
Nếu trẻ nhỏ bị viêm họng thì phụ huynh cần hết sức lưu ý. Hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn tấn công gây bệnh, từ đó gây nên nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ khi thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc khi giao mùa. Đặc biệt là luôn chuẩn bị sẵn các biện pháp để phòng ngừa và điều trị bệnh từ sớm.
Đa số các trường hợp mắc viêm họng đều không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh đã chuyển nặng nếu không được can thiệp điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thận, viêm phổi thùy… Bạn không thể chủ quan trước những biến chứng nghiêm trọng này.
Triệu chứng viêm họng
Các triệu chứng của bệnh tương đối dễ nhận diện. Đa số người bệnh đều xuất hiện tình trạng ho có đờm đi kèm với đau rát phần cổ họng. Mức độ đau rát phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh.
Cụ thể, một số triệu chứng điển hình của bệnh viêm họng như sau:
- Niêm mạc họng bị viêm: Phần niêm mạc họng của người bệnh có màu đỏ tươi bất thường do bị xung huyết. Thành họng xuất hiện các mụn nước nhỏ. Với các trường hợp nghiêm trọng, người mắc viêm họng còn có mủ bao phủ ở phía trên thành họng. Khi sờ vào phần dưới cổ bạn sẽ có cảm giác đau do vi khuẩn tấn công tạo nên hạch.
- Sưng ở vùng cổ họng: Người bệnh bị viêm họng sẽ thấy cổ họng bị sưng, đau. Các hoạt động nhai, nuốt, ăn hay nói chuyện sẽ khó khăn hơn. Ngoài sưng, đau, người bệnh còn thấy ngứa ngáy, khó chịu.
- Dịch tiết thay đổi: Viêm họng khiến lượng dịch tiết ra từ khoang miệng có sự thay đổi. Ở giai đoạn đầu, dịch tiết ra có màu trắng trong và số lượng ít. Ở giai đoạn nặng và nguyên nhân gây ra bệnh là do nhiễm khuẩn thì dịch tiết sẽ có màu trắng đục, nhầy.
- Khàn giọng: Nguyên nhân dẫn đến khàn giọng khi nói là do tác động của dịch nhầy. Khi bệnh chuyển biến nặng hơn, người bệnh có thể bị mất giọng tạm thời.
- Buồn nôn: Người mắc viêm họng còn có cảm giác buồn nôn do vị trí viêm ở cổ họng trở nên mẫn cảm hơn so với bình thường.
- Cảm, sốt: Triệu chứng thường gặp ở những người bị viêm họng nặng. Ngoài tình trạng cảm, sốt, bệnh nhân có biểu hiện chóng mặt, đau dữ dội vùng họng, ù tai. Các triệu chứng này thường bị nhầm với các biểu hiện của sốt virus nên người bệnh cần chú ý.
Các triệu chứng của viêm họng của thể xuất hiện trong một thời gian nhất định và tự mất đi. Với các trường hợp trở nặng, bạn cần uống thuốc điều trị để có thể đẩy lùi bệnh nhanh chóng, tận gốc.
Nguyên nhân viêm họng
Hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến đau họng không chỉ giúp bạn phòng ngừa bệnh từ sớm mà còn nâng cao hiệu quả điều trị nếu không may mắc phải. Theo các chuyên gia về hô hấp, bệnh thường xảy ra do các nguyên nhân sau đây:
Nguyên nhân viêm họng do vi khuẩn, vi rút tấn công
Khoa học tìm ra rất nhiều loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh ở con người. Trong đó phổ biến thường là các loại cúm A, cúm B, Coronavirus… Những nhóm virus này thường sẽ gây ra tình trạng lở loét ở vùng cổ họng. Ngoài ra, nếu không được điều trị can thiệp kịp thời người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng bất thường do sự tấn công của nhóm virus, vi khuẩn này.
Thường xuyên sử dụng chất kích thích gây viêm họng
Chất kích thích như thuốc lá, rượu bia… ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân làm tổn thương nội tạng và gây ra nhiều vấn đề khác tác động xấu đến sinh hoạt hàng ngày.
Vốn là vị trí nhạy cảm, việc sử dụng chất kích thích đều có thể gây kích ứng đến vùng cổ họng, từ đó dẫn đến viêm họng. Điển hình như việc hút thuốc lá. Chất độc hại trong thuốc lá gây ra bệnh, trầm trọng hơn là ung thư phổi.
Ngoài chất kích thích, người bệnh cũng được khuyến cáo không nên sử dụng nhóm thực phẩm cay nóng. Khả năng gây viêm của loại thực phẩm này rất cao.
Ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường
Vào thời điểm giao mùa, lượng người mắc viêm họng thường tăng lên đột biến. Nhiệt độ môi trường thay đổi từ nóng qua lạnh hoặc ngược lại dẫn đến việc cơ thể của bạn không kịp thời thích ứng. Điều này gây ra những tổn thương ở vùng cổ họng.
Ngoài ra, nếu bạn nằm ngủ trong phòng kín với mức điều hòa thấp trong một thời gian dài cũng có thể bị bệnh.
Ảnh hưởng của bệnh HIV
Bệnh HIV là một trong những nguyên nhân gây ra viêm họng được Y học chỉ ra. Cụ thể, những người bệnh HIV thường mắc bệnh về họng là do việc suy giảm hệ thống miễn dịch. Khi đó, vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công, tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Người mắc HIV bị viêm đau họng còn xuất hiện khối u ở vùng cổ họng.
Cách điều trị viêm họng
Dựa vào mức độ tiến triển của của bệnh mà cách điều trị được bác sĩ khuyến cáo cũng khác nhau. Trong đó, ở các giai đoạn đầu người bệnh có thể tự điều trị tại nhà với các phương pháp chỉ dẫn đơn giản. Với trường hợp bệnh nặng, bạn nhất định phải thăm khám và dùng thuốc điều trị phù hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Một số cách chữa viêm họng phổ biến hiện nay là:
Thường xuyên súc miệng bằng nước muối ấm
Nước muối ấm có khả năng cải thiện tình trạng viêm họng tương đối hiệu quả. Theo các chuyên gia, thành phần của muối có tính sát khuẩn rất tốt. Do đó, nếu súc miệng bằng nước muối ấm bạn có thể làm sạch khoang miệng hiệu quả.
Bạn lấy một thìa vào cốc, sau đó đổ thêm 200ml nước ấm và khuấy đều. Sau khi muối được hòa tan, dùng nước muối súc miệng luôn. Việc này nên được thực hiện vào buổi sáng sau khi bạn thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
Dùng trà gừng chữa viêm họng
Gừng là dược liệu được Đông y áp dụng trong nhiều bài thuốc chữa hô hấp. Theo đó, hoạt chất của gừng giúp kháng khuẩn, chống viêm hiệu quả. Bạn có thể sử dụng trà gừng để chữa bệnh.
Một vài lưu ý khi bạn sử dụng trà gừng chữa bệnh là:
- Nên bổ sung thêm một ít nước cốt chanh hoặc mật ong để dễ uống hơn
- Uống khi trà gừng còn ấm để đảm bảo hiệu quả
- Lưu ý đến nhiệt độ trà để không bị bỏng lưỡi
- Nên dùng hàng ngày thay trà để đạt được hiệu quả tốt nhất
Dùng rễ cam thảo chữa viêm họng
Cam thảo là thảo dược có tính bình, vị ngọt được sử dụng để chữa các bệnh lý về dạ dày và đường hô hấp theo Đông y. Các nghiên cứu hiện đại cũng chỉ ra, thành phần Axit Glycyrrhizic có trong loại thảo dược này có tác dụng sản sinh dịch tiết ở phế quản tương đối hiệu quả. Nhờ vậy, tình trạng viêm họng hoặc viêm đau họng có đờm đều được cải thiện bất ngờ.
Ngoài ra, hoạt chất Axit Glycyrrhizic có khả năng ức chế virus và một số loại vi khuẩn gây viêm nhiễm phổ biến. Bạn có thể dùng cam thảo như sau:
- Nhai rễ cam thảo và nuốt phần nước, bỏ phần bã
- Hãm cam thảo với nước sôi như trà, sau đó uống từ từ để hoạt chất trong thảo dược thẩm thấu vào vùng hầu họng giúp giảm viêm họng hiệu quả.
Uống trà bạc hà
Phương pháp này có hiệu quả giảm đau họng ở người mắc bệnh viêm họng. Cụ thể, tinh dầu Menthol trong trà bạc hà có tác dụng làm mát vùng niêm mạc họng, từ đó làm dịu cảm giác đau và ngứa xảy ra ở cùng cổ họng.
Ngoài ra, thành phần hoạt chất Axit Rosmarinic trong bạc hà có khả năng ngăn ngừa tình trạng phế quản co thắt quá mức và phòng dị ứng. Tinh dầu bạc hà giúp giảm cảm giác khó chịu ở người bệnh.
Dùng bạc hà chữa viêm họng theo hướng dẫn sau:
- Dùng 1 nắm bạc hà tươi, rửa sạch và để ráo nước
- Vò nát, sau đó cho vào bình trà
- Hãm lá bạc hà với khoảng 300ml nước sôi
- Sau 10 đến 15 phút bạn có thể sử dụng
- Dùng khi nước trà còn ấm để có hiệu quả tác động tốt nhất
- Nên cho thêm ít đường phèn vào trà để tăng hương vị trà.
Chữa viêm họng bằng củ cải trắng
Không chỉ là thực phẩm được dùng trong bữa ăn hàng ngày, củ cải trắng còn có khả năng điều trị một số bệnh lý về đường hô hấp trong đó có viêm họng. Các bác sĩ Đông y cho biết, củ cải trắng có khả năng tiêu thũng, đẩy nhanh quá trình lưu thông không khí ở phổi, hóa đờm. Vị thuốc này được sử dụng để giảm cảm giác đau, ngứa họng rất hiệu quả.
Y học hiện đại cũng nhận định, thành phần củ cải trắng có tác dụng ức chế vi khuẩn gram dương. Do vậy, bên cạnh việc dùng thuốc điều trị bạn có thể sử dụng củ cải trắng như một liệu pháp hỗ trợ điều trị viêm họng.
Thực hiện cách chữa theo hướng dẫn sau:
- Chuẩn bị 2 củ cải trắng nhiều nước, củ căng và 10ml mật ong nguyên chất
- Rửa sạch cải, sau đó loại bỏ vỏ và cắt thành sợi nhỏ
- Trộn củ cải trắng đã thái sợi với mật ong
- Cho vào hũ đậy kín và để qua đêm
- Chắt lấy phần nước uống, bỏ bã
- Thực hiện liên tục trong vài ngày các triệu chứng ho và đau rát họng, khàn tiếng do viêm họng gây ra sẽ giảm hẳn.
Ngoài các cách chữa kể trên, người bệnh có thể áp dụng chữa trị bằng một số loại thuốc Tây y như thuốc hạ sốt, thuốc chống viêm, thuốc giảm ho, long đờm hoặc thuốc kháng sinh. Việc sử dụng các loại thuốc Tây y để đảm bảo an toàn và tác dụng cần có sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ hoặc dược sỹ. Bạn không nên tự ý sử dụng để tránh gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Khi nào người bị viêm họng cần đến bác sĩ
Do là bệnh lý hô hấp phổ biến nên nhiều bệnh nhân ưu tiên cách chữa tại nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị mà không đạt được hiệu quả hoặc bệnh trầm trọng hơn bạn cần đến các bệnh viện, phòng khám để điều trị. Vậy khi nào người bị viêm họng cần đến bác sĩ? Bạn đọc lưu ý đến các trường hợp sau:
- Người bị sốt cao liên tục
- Khó thở, cổ bị cứng
- Viêm họng kết hợp với chảy nước dãi không cầm được
- Dịch đờm hoặc nước bọt xuất hiện máu
- Bệnh kéo dài trong thời gian trên 1 tuần mà không thuyên giảm hoặc giảm không đáng kể.
Bạn nên liên hệ bác sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Tại đây, bác sĩ sẽ kê đơn và hướng dẫn bạn một số cách chăm sóc tại gia cụ thể để điều trị dứt điểm bệnh.
Phòng ngừa viêm họng
Bác sĩ CKII Hoàng Thị Lan Hương (nguyên giảng viên Học viện YHCT Tuệ Tĩnh) chỉ ra cho bạn các biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả như sau:
- Tuyệt đối không tiếp xúc với những người đang bị bệnh đường hô hấp do sự tấn công của vi khuẩn, virus. Điều này sẽ vô tình khiến bạn bị lây nhiễm.
- Thường xuyên rửa tay, sát khuẩn bằng xà phòng, dung dịch có cồn
- Để phòng tránh viêm họng hiệu quả không nên chạm tay vào mặt, mũi và miệng
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn tắm, khăn lau mặt, dùng chung bát đĩa
- Tăng cường bổ sung nước lọc mỗi ngày. Lượng nước được khuyến cáo là 2 đến 2,5 lít/người/ngày.
- Vệ sinh các vật dụng như điện thoại, điều khiển tivi hoặc bàn phím. Trong trường hợp bạn ở khách sạn, các vật dụng này nên được khử khuẩn bằng nước sát trùng.
- Duy trì môi trường sống thoáng đãng, sạch sẽ.
Trên đây là thông tin tổng hợp của chúng tôi về bệnh viêm họng. Việc hiểu biết cụ thể nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh giúp bạn chủ động hơn trong mọi tình huống. Hãy chăm sóc bản thân và gia đình thật tốt bằng những kiến thức bổ ích bài viết cung cấp nhé!